Năm 2021, nền kinh tế nói chung cũng như ngành xây dựng nói riêng tiếp tục chứng kiến sự bùng phát trở lại và đặc biệt nghiêm trọng tại Tp.HCM cùng các tỉnh miền Nam. Trong cơn khủng hoảng, không có nguồn thu nhưng phải gánh chịu nhiều chi phí cao… dòng tiền của nhiều chủ thầu lớn dần cạn kiệt.
Theo đó, khoảng cuối tháng 8/2021, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam đã có đơn kêu cứu lên Chính phủ, đề nghị được miễn/giảm thuế, lãi vay… cho doanh nghiệp trong ngành giữa bối cảnh khó khăn do Covid-19. Chỉ số kinh doanh của các đơn vị niêm yết trong quý 3 cũng phản ánh rõ nét bức tranh kinh doanh của ngành.
Đơn cử, Coteccons (CTD) ghi nhận doanh thu tiếp đà giảm mạnh hơn 61% so với quý 3/2020, xuống còn 1.070 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp Công ty giảm mạnh chỉ còn vỏn vẹn 1/10 cùng kỳ. Theo Coteccons, quý 3 là thời điểm toàn ngành cũng như Công ty đối mặt với các quy định phong tỏa ở những thành phố lớn, đặc biệt các công trình ở Tp.HCM bắt buộc phải tạm dừng thi công, thị trường bất động sản bất ổn, giá nguyên vật liệu tăng cao… đã ảnh hưởng đến doanh thu cũng như hiệu suất sinh lời.
Khấu trừ chi phí, Coteccons lỗ ròng gần 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 lãi 89 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 2 Coteccons lỗ sau quý 4/2020 (lỗ khoảng 36 tỷ đồng theo số liệu sau kiểm toán). Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu CTD giảm từ mức 10.300 tỷ đồng xuống còn 6.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vào mức 87,5 tỷ - giảm 76% so với 9 tháng đầu năm ngoái.
Trong khi đó, "kỳ phùng địch thủ" của Coteccons trong ngành xây dựng là Hòa Bình ghi nhận doanh thu gần 2.100 tỷ trong quý 3 và lũy kế 9 tháng đạt 7.500 tỷ đồng. Hòa Bình đã có 2 quý liên tiếp ghi nhận doanh thu vượt Coteccons. Lợi nhuận ròng 9 tháng của Hòa Bình đạt 81 tỷ đồng – tăng 23%. Như vậy có thể thấy trong giai đoạn khó khăn nhất khi chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid, Hòa Bình dường như đang thích ứng tốt hơn.
Trong kỳ nợ vay ngân hàng giảm đi đáng kể và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Hòa Bình đã dương trở lại. Có thể nói, câu chuyện xuyên suốt nhiều năm qua của Hòa Bình là áp lực lớn từ nợ vay "ăn mòn" lợi nhuận dù doanh thu tăng trưởng đã có chuyển biến.
Với tình hình kinh doanh cải thiện và công bố trúng nhiều gói thầu lớn – tổng giá trị trúng thầu lũy kế vượt 16.000 tỷ đồng – cổ phiếu HBC đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Chốt phiên 5/11, vốn hóa thị trường đạt 5.300 tỷ đồng, gần tương đương với con số 5.400 tỷ của Coteccons.
Như vậy sau một thời gian dài bị Coteccons áp đảo về cả vốn hóa, doanh thu, lợi nhuận thì Hòa Bình đang có rất nhiều cơ hội để thu hẹp, thậm chí vượt qua trên nhiều tiêu chí.
Tất nhiên với đặc thù của ngành xây dựng là doanh số luôn được ghi nhận rất lớn vào quý 4 thì hiện vẫn chưa thể biết được liệu tính chung kết quả cả năm, Hòa Bình có lần đầu vượt qua được Coteccons về doanh thu, lợi nhuận sau hơn 10 năm hay không.