Trong một bài viết dài được công bố ngày 27/8, giới chức Trung Quốc nhấn mạnh văn hóa làm việc từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối, 6 ngày một tuần, hay còn được biết tới với cái tên 996, vi phạm luật lao động và bất hợp pháp. 10 vụ án đã được nêu ra, dù không hoàn toàn chỉ trong lĩnh vực công nghệ, cho thấy người lao động bị buộc phải làm thêm giờ hoặc sẽ gặp bất lợi.
Trong một vụ việc, một công ty công nghệ chưa được nêu tên đã buộc nhân viên ký thỏa thuận từ bỏ tiền lương làm thêm giờ, điều mà tòa án tuyên là trái pháp luật. Một trường hợp khác, nhân viên một công ty truyền thông đã bất tỉnh trong nhà vệ sinh của văn phòng lúc 5h30 phút sáng trước khi chết vì trụy tim. Tòa án phán quyết rằng ca tử vong này liên quan tới công việc và buộc công ty phải bồi thường gia đình nạn nhân 400.000 tệ, tương đương 61.710 USD.
Chỉ trích mới nhất được đưa ra trong bối cảnh các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang hứng chịu sự phẫn nộ của công chúng với văn hóa làm việc của họ. Bên cạnh đó, những phàn nàn ngày càng xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Thậm chí, nhiều người đã chết vì văn hóa làm việc độc hại này.
Các tỷ phú công nghệ, những người sáng lập những tập đoàn như Alibaba, JD.com… từ lâu đã cho rằng làm việc như vậy là cần thiết để tồn tại trong ngành công nghiệp cạnh tranh khốc liệt này và cũng là chìa khóa để tích lũy tài sản cá nhân. Tuy nhiên, tình thế rõ ràng đang thay đổi.
Trung Quốc đang khởi động một chiến dịch nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của các tập đoàn tư nhân đồng thời kêu gọi khu vực này "chia sẻ sự giàu có". Những lời chỉ trích tiếp tục gia tăng áp lực với các công ty công nghệ, vốn đang ngày càng bị giám sát chặt chẽ hơn vì cách mà họ đối xử với người lao động và các vấn đề khác, chẳng hạn văn hóa rượu bia khi quan hệ với đối tác.
Cuộc tranh cãi về thời gian làm việc kéo dài đã dấy lên từ hồi đầu năm khi hai người làm việc cho Pinduoduo Inc. tử vong. Chính vì thế, các công ty Internet như ByteDance Ltd. và Kuaishou Technology đã bắt đầu giảm bớt giờ làm của người lao động trong những tháng gần đây.
"Vấn đề làm thêm giờ tại một số ngành và doanh nghiệp đang thu hút sự quan tâm của công chúng. Về mặt pháp lý, người lao động có quyền được trả công tương ứng và có thời gian nghỉ ngơi hoặc nghỉ trong các ngày lễ. Tuân theo chế độ quốc gia về thời gian làm việc là nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Làm thêm giờ dễ dẫn đến tranh chấp lao động, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động và ổn định xã hội", Tòa Tối cao Trung Quốc cho biết.
Văn bản mà Tòa án Tối cao và Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc ban hành sẽ trở thành hướng dẫn để giải quyết những tranh chấp lao động trong tương lai.