Thời gian gần đây, tâm điểm của giới đầu tư Hà Nội đang đổ dồn về khu vực Mê Linh bởi lẽ các thông tin như nâng cấp lên phố, quy hoạch đường Vành đai 4,... khiến nhiều người kỳ vọng có thể kiếm tiền từ bất động sản nơi này.
Theo đó, các phiên đầu giá vừa qua tại Mê Linh đã liên tiếp có những mặt bằng giá mới được đưa ra. Đơn cử, Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư đã tổ chức bán hàng bằng hình thức trả giá công khai.
202 căn nhà thấp tầng xây thô hoàn thiện mặt ngoài hình thành trong tương lai gắn với quyền sử dụng đất ở đã có hạ tầng được mang ra bán. Chỉ trong 1 ngày duy nhất 198 căn nhà thấp tầng đã được “chốt” đơn.
Đáng chú ý, các căn nhà thấp tầng được “chốt” đơn với mức giá phổ biến khoảng 50 - 60 triệu đồng/m2, chênh khá nhiều so với giá khởi điểm. Chưa hết, 17 lô đất tại điểm X1, Thanh Lâm (Mê Linh) được đem ra đấu giá, mức giá trúng cao nhất lên tới 85,5 triệu đồng/m2, tiếp theo là mức giá 75,5 triệu đồng/m2. Với những mức giá này đã cao gấp hơn 2 lần so với mặt bằng giá trong khu vực thời gian trước đó và được cho là cao nhất từ trước tới nay.
Sau các phiên bán đấu giá này, mức giá rao bán tại Mê Linh đã tăng khoảng 10 - 20%. Theo anh Nguyễn Tuấn, môi giới bất động sản trong khu vực cho biết, mới chỉ khoảng 3 tuần sau các phiên đấu giá, lượng nhà đầu tư về đây khảo giá cũng trở nên nhiều hơn trước đó. Theo đó, giá rao bán cũng bắt đầu tăng.
Theo khảo sát, hiện nay một số khu đấu giá đất, đất thổ cư tại thị trấn Quang Minh đang được rao bán với mức từ 40 - 45 triệu đồng/m2, trong khi cách đây 1 tháng giá chỉ khoảng 35 - 40 triệu đồng/m2. Tại xã Tiền Phong, những lô đất nằm ở mặt đường lớn đang dao động 32 - 37 triệu đồng/m2, còn ở mặt đường ngõ cũng từ 20 - 23 triệu đồng/m2, tăng khoảng 15 - 20% so với trước thời điểm đấu giá. Các khu vực khác giá rao bán cũng từ 15 - 25 triệu đồng/m2, mức giá này đã tăng so với cách đây 1 tháng.
Theo anh Tuấn cho hay, người đổ về khu vực Mê Linh khảo giá chủ yếu quan tâm tới tuyến đường Vành đai 4, thông tin lên phố,... Bên cạnh đó, nhiều người đánh giá khu Mê Linh đang là vùng trũng về giá ven Thủ đô.
Dù lượng người đổ về tìm hiểu và mức giá tăng lên, nhưng anh Tuấn cũng phải thừa nhận là giao dịch thành công cực ít. “Thị trường bây giờ nhà đầu tư cũng rất dè chừng, kể các có khách hỏi nhưng để đến bước cuối cùng giao dịch vẫn rất khó, không như cách đây khoảng 3 - 4 tháng. Theo tôi, để thị trường khu vực này sôi động trở lại phải chờ đến khi Vành đai 4 bắt đầu khởi công hoặc chuyển biến mới về việc nâng cấp lên phố hay thông tin về quy hoạch hạ tầng mới”, anh Tuấn nói.
Anh Nguyễn Hà, môi giới tại Mê Linh cũng xác nhận, hiện nay giá đất tại khu vực tăng nhưng giao dịch gần như không có.
“Không chỉ đất thổ cư tăng 10 - 20% mà cả đất dự án như dự án HUD Mê Linh mặc dù sau phiên trả giá công khai người mua được đã rao bán chênh 2 - 3 giá so với giá mua được thì nay lại tăng thêm khoảng 2 - 3 giá nữa so với giá chênh. Tuy nhiên, việc giá rao bán tăng là một chuyện còn giao dịch thành công thì rất hiếm”, anh Hà nói.
Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch thường trực CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, chuyện thổi giá đất thông qua đấu giá nhằm kéo giá trong khu vực không còn là mới.
“Việc giá đất đấu giá tăng nhưng khi chưa nộp hết tiền sang tên thì chưa thể cho là giao dịch thành công để thiết lập mặt bằng giá mới trong khu vực. Thời gian qua, câu chuyện đấu giá đất trả cao vọt nhằm kích giá khu vực đã diễn ra nhiều, cuối cùng thì lại bỏ cọc. Tôi cho rằng, ở đây có dấu hiệu tăng giá ảo khi giao dịch không có nhưng giá lại vẫn tăng”, ông Điệp nói.
Vị chuyên gia cho rằng, nhiều người đang kỳ vọng vào việc Mê Linh lên phố, tuyến đường Vành đai 4 sẽ làm tăng giá đất khu vực. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ bởi cả 2 vấn đề này đều cần lộ trình rất dài, nếu không cẩn trọng chỉ cần sai sót nhỏ có thể dẫn tới việc “chôn” vốn thời gian dài.