Tại tỉnh Bình Thuận, các nhà vườn trồng thanh long trái vụ đang chong đèn để kích thích cây ra hoa nhưng lại vứt bừa bãi bóng đèn hỏng, gây nguy hại đến môi trường và sức khoẻ của người dân.
Tỉnh Bình Thuận hiện trồng hơn 30.000 ha cây thanh long. Hàng năm, từ tháng 10 năm nay đến tháng 3 năm sau, các hộ nông dân phải chong đèn để kích thích cây ra hoa trái vụ.
Theo tính toán, bình quân mỗi ha thanh long chong đèn sẽ sử dụng hơn 1.000 bóng, tuổi thọ trung bình của các bóng đèn này khoảng 2 năm. Như vậy, mỗi năm toàn tỉnh Bình Thuận sẽ có 15 triệu bóng đèn phải thải loại ra môi trường từ việc canh tác cây thanh long.
. (Ảnh: KT)
|
Điều đáng nói là hiện nay loại chất thải nguy hại này này chưa được phân loại, xử lý kịp thời. Tại các vùng trồng thanh long của huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, người ta dễ dàng bắt gặp bóng đèn hỏng vứt tràn lan ở các con suối, đường dân sinh.
Ông Ngô Minh Thành, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài Nguyên - Môi trường Bình Thuận cho biết, các bóng đèn chong thanh long có nhiều chất gây nguy hại cho sức khoẻ con người, đặc biệt là chất thuỷ ngân. Chất độc từ bóng đèn khi thấm xuống đất sẽ phát tán ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Ông Thành khuyến cáo người dân cần thu gom tốt bóng đèn hư hỏng để bảo vệ chính mình và những người xung quanh.
“Trong thời gian tới, người dân khi canh tác thanh long, đối với các bóng đèn thải bỏ thì cần có biện pháp thu gom, xử lý phù hợp theo đúng quy định. Trước mắt người dân nên thu gom và chuyển cho các đơn vị chuyên xử lý rác thải”, ông Thành đề ra giải pháp./.