Ngày 29/6, Ban quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết, UBND TPHCM đang vừa phải giải quyết nhanh những tồn tại, khuyết điểm, vừa phải thúc đẩy nhanh việc triển khai dự án. Đồng thời đang tích cực tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư... để tạo nguồn thu cho ngân sách.
Nó được xem như một lâm viên sinh thái rừng ngập nước ngay tại trung tâm TPHCM. Phần lớn diện tích khu này là vùng sinh thái ngập nước, chỉ quy hoạch 3 lô đất để xây dựng các công trình phục vụ tham quan, du lịch và khu nghiên cứu thực vật. Các công trình xây dựng trên 3 lô đất này có quy mô và kiến trúc hài hòa, mật độ xây dựng thấp để không phá vỡ cảnh quan chung.
Khu lâm viên sinh thái là khu vực phát triển sinh thái đa dạng nhất tại Thủ Thiêm và là một công trình rất đặc thù tại khu trung tâm TPHCM. Hầu hết diện tích của khu vực là đất trồng đước và các loại thực vật phát triển tự nhiên, kết hợp với các tuyến giao thông thủy được đào và nạo vét từ luồng lạch hiện hữu. Khi có đợt triều cường từ sông Sài Gòn đổ vào hệ thống kênh đào và rừng đước tại khu ngập nước này, nước sẽ được lọc và đổ ngược vào hệ thống giao thông thủy.
Khu lâm viên sinh thái này đã được UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương thuê Công ty Architype của Pháp lập đồ án quy hoạch chi tiết 1/500. Việc này mất rất nhiều thời gian do phải lấy ý kiến các chuyên gia về vấn đề bảo tồn, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên đặc trưng, phải học tập kinh nghiệm của các dự án có quy mô, tính chất tương tự ở trong nước và khu vực và phải lấy ý kiến của nhiều cơ quan chuyên môn... Đến nay, đồ án quy hoạch 1/500 đã được đơn vị tư vấn báo cáo đến các cơ quan chuyên ngành của thành phố và đang hoàn chỉnh để trình thẩm định, phê duyệt.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn đối diện với quận 1, có tổng diện tích 657ha. Để đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM đã giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm. Khoảng 12.500 hộ dân đã di dời để nhường chỗ cho siêu dự án này. TP.HCM cũng huy động gần 30.000 tỉ đồng để chi trả tiền bồi thường, tái định cư…
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch là một trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của TPHCM với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp, trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí… Trung tâm của Khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc địa bàn các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần phường Bình An, Bình Khánh.
Khu trung tâm được chia làm 5 khu vực chính gồm lõi trung tâm chính, Khu dân cư phía Bắc, Khu dân cư dọc đại lộ Mai Chí Thọ, Khu dân cư phía Đông, Khu Châu thổ phía Nam. Ngoài ra, Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng sẽ hình thành quảng trường đi bộ. Khu vực này sẽ kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ bằng cầu đi bộ băng sông Sài Gòn.
Tuy nhiên, ngày 26/6/2019, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết quả thanh tra toàn diện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ xác định, trong quá trình triển thực hiện đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TPHCM và các sở, ngành liên quan đã để xẩy ra những khuyết điểm, vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi một số hộ dân sinh sống trên địa bàn, phát sinh khiếu nại gay gắt, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.
Cụ thể, qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ xác định việc UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 tại Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16/9/1998, trong đó điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền (giảm 23,3 ha đất đã giao dự án cho 5 doanh nghiệp trước đó nhưng vẫn lập và trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch 1/5000), nhất là việc tăng 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2 không đúng quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; vị trí, giới hạn quy hoạch được phê duyệt không thống nhất về tên gọi so với bản đồ và thực địa.
Việc UBND TPHCM căn cứ vào Quyết định số 367/TTg và Văn bản số 190/CP-NN đượcThủ tướng Chính phủ phê duyệt thu hồi 4,3 ha đất thuộc khu phố 1, phường Bình An để thực hiện một số dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là chưa đủ cơ sở pháp lý, dẫn đến thiếu căn cứ thực hiện, không xác định đúng, đủ diện tích đất phục vụ tái định cư theo quy hoạch, cần rà soát và có giải pháp giải quyết phù hợp.
Ngoài ra, việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng có trường hợp đang khiếu nại chưa phù hợp quy định, chưa đúng thời điểm thu hồi đất, nhất là khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực; không có kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng nhà tái định cư trước khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, việc thực hiện còn chậm, còn một số hạn chế, bất cập, dẫn đến phát sinh khiếu nại về chế độ, chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư, UBND TPHCM cần rà soát để giải quyết dứt điểm.