Theo tờ Guardian, cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung quốc đã khiến tăng trưởng kinh tế của quốc gia tỷ dân giảm xuống còn 6% trong năm 2019, điều này khiến cho kinh tế toàn cầu chịu áp lực. Theo đó, mức tăng trưởng đã giảm từ 3,6% xuống còn 3% trong năm ngoái.
Một quan chức Trung Quốc trong tuần trước đã cảnh báo rằng sự lây lan của virus Corona, xuất phát từ Vũ Hán, hiện đã lây nhiễm cho khoảng hơn 17.000 người tại quốc gia này (tính đến 2/2/2020), sẽ gây thiệt hại thêm sau chiến tranh thương mại. Tác hại cho nền kinh tế do virus Corona theo đó sẽ nặng nề hơn so với SARS, xảy ra gần 2 thập kỷ trước.
Vị này cũng nhấn mạnh đến việc 8 khu vực chính và 2 thành phố của Trung Quốc phải đóng cửa kinh doanh ít nhất đến ngày 9/2 khiến không thể nghi ngờ về tính trọng yếu của dịch bệnh.
Zhang Ming, nhà kinh tế tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, dự báo tốc độ tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới mức 5% trong quý I/2020. Đây là mức giảm đáng kể so với mức tăng trưởng đạt 6% của cùng kỳ năm ngoái.
Goldman Sachs tin rằng virus Corona khi lây lan rộng rãi sẽ khiến mức tăng trưởng của Mỹ giảm 0,4 điểm % trong quý I/2020 khi khách du lịch Trung Quốc đến Mỹ giảm và xuất khẩu hàng hoá từ Mỹ sang thị trường này bị ảnh hưởng. Trung tâm này cho rằng sẽ có sự phục hồi một phần nào đó sẽ đến trong quý II, nhưng rủi ro là không thể xem thường.
Goldman cũng cho rằng bất cứ sự thay đổi thông tin nào, dù nhỏ nhất, cũng có thể dẫn đến hành vi lo ngại rủi ro hoặc thắt chặt điều kiện tài chính. Nỗi sợ dịch bệnh có thể dẫn đến sự suy giảm du lịch nội địa, mua sắm, trung tâm này cảnh báo.
Năm 2020, khi SARS lây nhiễm tới 37 quốc gia với 8.000 người mắc bệnh và 750 người tử vong, tâm lý hoảng loạn đã diễn ra trên toàn cầu. Hiện, virus Corona đang có tốc độ phát tán nhanh hơn SARS.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) cho rằng không dễ ước tính được mức độ thiệt hại kinh tế mà virus Corona gây ra nhưng có thể sử dụng SARS làm mốc để so sánh. Theo tính toán, SARS đã kéo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc quý II/2003 xuống còn 1,8% so với mức trung bình 2,8% .
Còn với tăng trưởng toàn cầu trong năm 2003 đã mất từ 30 – 100 tỷ USD, tương đương 0,08 – 0,25% GDP toàn cầu.
Trong trường hợp xấu nhất, CEBR giả định virus Corona tác động gấp 6 lần lên kinh tế Trung Quốc (lúc nãy đã chiếm đến 17% GDP toàn cầu so với mức 4% hồi 2003), kinh tế toàn cầu có thể bị ảnh hưởng từ 1,8 – 6% GDP.
Anh và phần còn lại của các nước châu Âu đã xác nhận những ca nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh khiến nhiều hãng hàng không đình chỉ các chuyến bay đến Trung Quốc. Mỹ và Canada cũng chứng kiến những trường hợp đầu tiên và cảnh báo công dân không đến Trung Quốc.
Tuy nhiên, tác động kinh tế sẽ được cảm nhận sâu sắc nhất ở Đông Nam Á, nơi Trung Quốc không chỉ là đối tác thương mại lớn mà còn là nguồn thu lớn cho du lịch. Ví dụ Thái Lan, nguồn thu từ du lịch vốn chiếm 1/5 nền kinh tế Thái Lan và du khách Trung Quốc chiếm 1/4 tổng doanh thu.