"Hòn ngọc Châu Á", "Top 10 hòn đảo nổi tiếng nhất hành tinh"- đó là những danh xưng mà cả thế giới đã dành cho Phú Quốc. Vậy nhưng nếu đến đảo Ngọc cách đây 5-6 năm, ít ai muốn quay trở lại. Chất lượng dịch vụ kém, sản phẩm du lịch nghèo nàn đã khiến không ít du khách thất vọng. Họ thậm chí không thể ở đến ngày thứ ba vì chán với điệp khúc "tắm biển - ăn hải sản - ngủ".
5 năm trở lại đây, Phú Quốc đã thức giấc nhờ sự xuất hiện liên tiếp của những công trình nghỉ dưỡng, vui chơi đẳng cấp với những điểm nhấn như cáp treo Hòn Thơm, safari, sân golf... Đảo Ngọc đã "thay da đổi thịt" từng ngày nhờ tháo gỡ hàng loạt những "nút thắt" như cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông sân bay, nâng cấp hệ thống cơ sở lưu trú, củng cố hệ thống điện, nước, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch…
Tưởng chừng, sự thay đổi của Phú Quốc có thể níu giữ chân khách du lịch lưu trú dài ngày hơn nhưng sự thực hoàn toàn khác. Với những nỗ lực của Phú Quốc, số lượng khách du lịch tăng trưởng hàng năm lên đến 30% nhưng số ngày lưu trú vẫn chỉ dừng lại ở 1,8 ngày/khách. Khách du lịch đến Phú Quốc vẫn cảm thấy thiếu những dịch vụ giải trí về đêm để níu chân họ ở lại vui chơi và trải nghiệm nhiều hơn như những thiên đường du lịch như Bali hay Phuket.
Hiểu được điều đó, từ cuối năm 2016, UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đã chính thức sát nhập chợ đêm Dinh Cậu với chợ đêm Bạch Đằng thành một chợ chung lấy tên là chợ đêm Phú Quốc. Với quy mô lớn hơn và được đầu tư khang trang hơn, chợ đêm Phú Quốc tạo nên một diện mạo mới cho Phú Quốc, trở thành "thủ phủ" của du lịch ban đêm tại đảo ngọc này. Trung bình mỗi đêm, chợ thu hút tới 3.500 khách, chi tiêu bình quân 150 USD/người (số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2019). Tính ra, mỗi ngày chợ đêm đã mang về cho Phú Quốc khoảng hơn 10 tỉ đồng.
Cùng với với chợ đêm, Phú Quốc cũng tỏ rõ quyết tâm phát triển kinh tế ban đêm bằng việc liên tục phát triển những tổ hợp vui chơi giải trí quy mô lớn. Có thể kể đến khu mua sắm sầm uất Boutique Shophouse Melodia, quảng trường âm nhạc rộng tới 8.500 m2 lớn nhất Phú Quốc - nơi sẽ diễn ra những sự kiện, lễ hội tầm cỡ quốc tế được quy hoạch phía Nam đảo do Tập đoàn Sungroup đang đầu tư xây dựng.
Còn ở khu vực bãi Dài là Vinpearl Phú Quốc. Nơi đây tập trung các Tổ hợp Casino Corona, biệt thự nghỉ dưỡng chuẩn 5 sao, thiên đường giải trí Vinpearl Land, vườn thú bán hoang dã Safari, bệnh viện Vinmec, sân Golf…và đặc biệt là Siêu Tổ hợp Nghỉ dưỡng – Vui chơi giải trí và Mua sắm Grand World Phú Quốc được xây dựng theo mô hình phố đêm Clark Quay (Singapore), Asiatique (Bangkok) hay Lan Quế Phường (Hồng Kông) …
Sau khi hoàn thiện Grand World Phú Quốc cùng với Corona - Casino duy nhất cho người Việt vào chơi sẽ trở thành tổ hợp giải trí lớn nhất tại Phú Quốc, mang lại nguồn lợi lớn từ du lịch ban đêm. Dự án được xem là con át chủ bài quan trọng nhất để giúp Phú Quốc chuyển mình khi được kỳ vọng là điểm đến "mustry" của du khách đến Phú Quốc, kích thích khách du lịch chi tiêu, trải nghiệm và lưu trú nhiều hơn tại thiên đường nghỉ dưỡng này.
Ngoài những đại dự án của Vingroup và Sungroup…Phú Quốc cũng đang "tỏa sáng" với hàng loạt những đại dự án vui chơi giải trí ban đêm đến từ loạt doanh nghiệp BĐS lớn khác như Bimgroup, CEO Group hay những cái tên mới như Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng & Đô Thị Hà Nội, Trường Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Điện lực Hà Nội, Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Toan Vân….
Theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển du lịch ban đêm là hướng đi đúng đắn của Phú Quốc vởi kinh tế ban đêm có thể chiếm đến 70% doanh thu của du lịch. "Nhìn sang Thái Lan, đâu phải du khách tới đó nhiều lần vì muốn vào Hoàng cung. Hoàng cung đẹp nhưng họ không quay lại đó hai, ba lần. Ngược lại, họ tới du lịch vì muốn đi mua sắm, ăn uống, sử dụng dịch vụ về đêm. Chính những dịch vụ như vậy giúp khách du lịch "chìm" vào văn hóa địa phương, hấp dẫn họ, giữ chân họ", ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel từng khẳng định.
Nhìn xa hơn, nền kinh tế ban đêm đóng góp 66 tỷ bảng cho Anh, 102 tỷ USD cho Australia mỗi năm. Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã không ngừng đưa ra chính sách thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên suốt. Giá trị của nền kinh tế dưới ánh đèn điện đã không ngừng tăng trưởng các năm qua khi nhiều quốc gia áp dụng chính sách mở cửa mạnh mẽ.
Chính vì thế, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ ngành, các tỉnh thành nghiên cứu về kinh tế đêm, chú trọng vào các tổ hợp giải trí. Theo Thủ Tướng, kinh tế ban đêm là sự năng động của nền kinh tế trong bối cảnh mới của quốc tế, là thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng. Khách du lịch đến Việt Nam như năm nay là 18 triệu, hầu hết là trái múi giờ, mình đi ngủ mà họ đi chơi. Sẽ không có thời cơ để hiểu biết về văn hóa, ẩm thực hay các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh ở Việt Nam".
Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn phát triển tốt kinh tế ban đêm. Có như vậy mới trả lời được câu hỏi: Làm gì để du khách đến đông hơn, ở lâu hơn? Làm gì để du khách tiêu tiền nhiều hơn? Làm gì để du khách kể về những trải nghiệm thú vị ở Việt Nam, nhất là về ban đêm? Làm gì để du khách quay trở lại sớm nhất có thể?
Thử làm một bài toán đơn giản, nếu kinh tế đêm ở Phú Quốc được thắp sáng, mỗi du khách chỉ cần tăng chi tiêu thêm 300-400 USD cho các hoạt động giải trí, mua sắm,… doanh thu từ du lịch của Kiên Giang sẽ gia tăng đáng kể. Và nếu năm 2030 Kiên Giang đạt 24 triệu lượt khách như mục tiêu đề ra, doanh thu từ du lịch sẽ là con số đáng mơ ước, cao hơn nhiều con số mục tiêu 4.900 triệu USD mà Kiên Giang từng đề ra. Rõ ràng, kinh tế đêm đóng vai trò quan trọng trong hành trình phát triển của Kiên Giang, đưa Phú Quốc trở thành điểm đến mới của du lịch quốc tế tại khu vực Đông Nam Á.