Hình ảnh cửa hàng F.Beauty với logo của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, FRT) rò rỉ trên mạng, được biết cửa hàng này đặt tại đường Nguyễn Trãi, chuyên kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm làm đẹp.
Theo thông tin tuyển dụng nhân sự trên website chính thức của FRT, F.Beauty là phân mảng bán lẻ mới chuyên kinh doanh các dòng sản phẩm mỹ phẩm làm đẹp nhập ngoại cao cấp. Hiện, đây cũng là bước thử nghiệm những mảng mới của Tập đoàn, đại diện FRT cho biết.
Ngành mỹ phẩm Việt Nam tăng trưởng mạnh với khách hàng trẻ, e-Commerce phát triển
Tương tự chuỗi dược, thẩm mỹ cũng là ngành khá nổi hiện nay tại nước ta, tuy nhiên thị trường vẫn còn bát nháo, sơ khai. Không chỉ FRT, nhiều đơn vị, tên tuổi trong và ngoài cũng đã bắt đầu khai phá miếng bánh màu mỡ này, dĩ nhiên đối mặt với rất nhiều thách thức.
Là thị trường có nền công nghiệp làm đẹp còn khá mới mẻ, chính xác là đi sau các nước bạn như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, tập trung quanh Hồ Chí Minh và Hà Nội. Theo quan điểm Amorepacific, khách hàng Việt Nam có độ tuổi trung bình trẻ nhất trong số các nước Đông Nam Á. Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại điện tử, Việt Nam đang cho thấy tỷ lệ doanh thu cao nhất trong số các nước Đông Nam Á mà Tập đoàn đang hoạt động.
"Chúng tôi đánh giá thị trường Việt Nam có đặc tính khác biệt so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Tại đây, các trung tâm thương mại quy mô lớn để đặt cửa hàng vẫn còn hạn chế so với một số nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, Việt Nam có đối tượng người tiêu dùng trẻ và năng động, họ chủ động hơn trong việc tìm kiếm các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc da.
Cùng với đó là sự tăng trưởng của ngành thương mại điện tử và các kênh bán hàng trực tuyến. Bởi vậy, mục tiêu của chúng tôi tại thị trường này là làm sao để có một chiến lược kinh doanh khác biệt và hiệu quả để tạo ra thế mạnh cạnh tranh", ông Robin Na – đại diện Amorepacific (đơn vị sớm có mặt tại Việt Nam từ năm 1998) - nhận định.
FRT vẫn đang tìm kiếm các mảng mới
Trở lại với FRT, mới đây FPT Shop vừa gỡ mục "Điện máy" khỏi website fptshop.com.vn sau khoảng hơn 6 tháng thử nghiệm kinh doanh mặt hàng, thông qua hợp tác với hệ thống Nguyễn Kim. Được biết, FPT Shop đang tạm hoãn hoạt động này để tập trung cho những mảng mang lại hiệu quả cao hơn. Phía doanh nghiệp cũng khẳng định, ban lãnh đạo vẫn đang xem xét có nên chính thức bỏ mảng kinh doanh này.
Không chỉ bán điện máy, bán hàng xuyên quốc gia, FPT Retail cũng vừa bổ sung hai ngành nghề kinh doanh là bưu chính và chuyển phát. Đây được biết là công tác chuẩn bị hành lang pháp lý cho chiến lược mở rộng những ngành hàng liên quan thời gian tới.
9 tháng đầu năm 2019 FRT ghi nhận doanh thu đạt 12.427 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, do trích lập dự phòng nợ xấu cho 2 chương trình F-Friends và Subsidy, lợi nhuận trước thuế 9 tháng chỉ còn tăng nhẹ 3% lên mức 292 tỷ đồng.
Riêng với mảng dược, FRT vừa công bố đã hoàn tất đạt 70 cửa hàng đến cuối tháng 11/2019. Thời gian tới, FRT dự tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho chuỗi nhà thuốc Long Châu, mở rộng mạng lưới cửa hàng đến nhiều tỉnh, thành hơn nữa. Công ty đặt kế hoạch sẽ mở thêm 200 nhà thuốc Long Châu trong năm 2020 và dự kiến đạt khoảng 1.900 tỷ đồng doanh thu.
Trong kế hoạch dài hạn đến năm 2022, FRT dự kiến sẽ mở 700 nhà thuốc Long Châu với doanh thu ước đạt 6.000 tỷ, tương đương nắm được 30% thị phần thị trường dược phẩm tại Việt Nam.
Cổ phiếu FRT vẫn ở vùng đáy từ khi lên sàn