Từ khoảng đầu quý 3, sự lình xình đi ngang của hàng loạt nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã khiến dòng tiền của nhà đầu tư dịch chuyển sang các cổ phiếu vừa và nhỏ. Chỉ tính riêng từ tháng 7 đến giữa tháng 11/2021, chỉ số VN30-Index chỉ có mức tăng khoảng 6% thì chỉ số VNSmallcaps đã bứt phá với mức tăng hơn 60%. Nhiều cổ phiếu penny thu hút sự chú ý với chuỗi hàng loạt phiên tăng trần càng hút dòng tiền đầu cơ ngắn hạn chảy vào. Kết quả, thị giá các cổ phiếu này càng tăng "nóng", thậm chí là chạy xa giá trị thật của doanh nghiệp.
Cho đến hiện tại, dòng tiền có xu hướng quay lại với những nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng hay chứng khoán. Mất đi xung lực, các cổ phiếu vừa và nhỏ đồng loạt quay đầu giảm mạnh. Tiêu biểu như phiên 22/11 vừa qua, VN-Index kết phiên chỉ giảm hơn 5 điểm, tuy nhiên những cổ đông nắm giữ các cổ phiếu trước đó đang tăng "nóng" có cảm giác như giảm tới 50 điểm khi hầu như bao trùm là sắc "xanh sàn".
Đây cũng là phiên giao dịch đánh dấu kết thúc chuỗi tăng điểm 7 phiên liên tiếp trong đó có 6 phiên kịch trần của cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai. Tuy nhiên, sự kết thúc này không mấy tích cực bởi lẽ thị giá QCG đã giảm sàn 7% và tiếp tục giảm hết biên độ trong phiên tiếp theo 23/11 xuống mức 11.200 đồng/cổ phiếu.
Cập nhật đến hết phiên 24/11, mặc dù tránh được sắc "xanh sàn" song cổ phiếu QCG tiếp tục đỏ giá với mức giảm gần chạm sàn là 6,2% xuống còn 10.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, sau 3 phiên giao dịch đầu tuần này, cổ phiếu QCG đã "bốc hơi" tới 19%. Hàng loạt nhà đầu tư với tâm lý ham lời nhanh chóng đã lỡ chân bước vào đỉnh sóng, hiện bứt rứt không yên khi thị giá vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.
Thị giá QCG mất tới 19% giá trị sau 3 phiên giao dịch
Trên thực tế, đà tăng phi mã trước đó của cổ phiếu QCG diễn ra trong bối cảnh không có thông tin nổi bật gì từ phía doanh nghiệp. Thậm chí, nếu nhìn vào tình hình kinh doanh gần đây còn cho thấy sự đi xuống về kết quả. Cụ thể, quý 3/2021, doanh thu thuần đạt 223 tỷ đồng, giảm tới 59% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế giảm hơn nửa so với cùng kỳ còn hơn 10 tỷ đồng
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, QCG ghi nhận lãi ròng chỉ hơn 38 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản QGC đạt 9.896 tỷ đồng, giảm so với con số 10.333 tỷ đầu kỳ. Trong đó, hàng tồn kho tiếp tục chiếm phần lớn tổng tài sản với 7.062 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 71% tổng tài sản, chủ yếu là giá trị tại các bất động sản dở dang, đặc biệt là "siêu dự án" Phước Kiển.
Đây là dự án quan trọng nhất của QCG tuy nhiên đã kéo dài nhiều năm và vẫn đang gặp rắc rối về mặt pháp lý, cho thấy vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp chưa thể giải quyết. Trong kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan từng chia sẻ rằng chính Công ty cũng không biết dự án sẽ có thể đi đến đâu.
Nhìn về lịch sử giao dịch cổ phiếu QCG, cổ phiếu này cũng đã từng có những nhịp tăng điểm rồi lại lao dốc không phanh khi không xuất hiện nhiều thông tin hỗ trợ đáng chú ý. Cụ thể, trong giai đoạn cuối tháng 2 kéo dài tới 18/3/2020, QCG là một trong những cái tên ấn tượng nhất trên thị trường khi có chuỗi 15 phiên tăng trần liên tiếp bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19 để đưa giá cổ phiếu bật tăng từ 3.500 đồng/cp lên 10.200 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên ngay sau đó, thị giá QCG đã giảm hết biên độ liên tiếp nhiều phiên và "mất thanh khoản", mức giảm hơn 30% giá trị chỉ trong 1 tuần và tiếp tục mất thêm trong tuần kế tiếp. Thị giá theo đó lại lùi sâu về vùng 5.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu QCG đã từng có chuỗi tăng sốc giảm sâu hàng chục phiên liên tiếp
Trên thực tế, không ai có thể dự đoán cổ phiếu sẽ tăng đến mức nào và sẽ giảm tới đâu. Tuy nhiên, có thể thấy việc ham lời lớn nhưng phải thật nhanh đã đẩy nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng "đu đỉnh" rồi lại "cắt lỗ đúng đáy" như thời gian qua. Việc không kịp thoát hàng trước những cú điều chỉnh mạnh sẽ ảnh hưởng rất lớn tới giá trị tài sản của nhà đầu tư khi mà cơn sóng cổ phiếu thị giá thấp đang có dấu hiệu thoái lui.