Cập nhật lúc đầu giờ chiều nay, giá vàng thế giới mua vào ở mức 1.982 USD/Ounce và bán ra là 1.984 USD/Ounce. Tính từ đỉnh gần nhất, vàng thế giới đã giảm hơn 80 USD/Ounce.
Mặc dù vàng lao dốc nhưng nhiều chuyên gia và ngân hàng lớn vẫn nâng triển vọng cho kim loại quý này.
Ông Jeff Currie, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Goldman Sach cho biết, ngân hàng đã nâng mức giá mục tiêu của vàng lên 2.500 USD. Theo đó, giá vàng có thể tăng từ 500 - 600 USD/Ounce từ giá hiện tại. Ông Currie nói, "bối cảnh hiện tại là quá tuyệt vời cho giá vàng". Ông cũng đã đưa ra 3 lý do giải thích cho việc vàng có thể đạt được mức giá trên.
Lý do thứ nhất mà ông Currie đưa ra là thị trường vàng đang được hỗ trợ bởi một lực cầu rất lớn. Ông Currie cho biết, trước các biến động vĩ mô như lạm phát, suy thoái và căng thẳng địa chính trị ở khu vực châu Âu, các nhà đầu tư thường sẽ tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Vì thế, lượng cầu về vàng trên thị trường là rất lớn, ông Currie giải thích.
Các ngân hàng trung ương tăng cường mua vàng là luận điểm thứ hai được ông Currie đưa ra. Bổ sung cho lập luận của mình, ông Currie cho biết, các ngân hàng trung ương mua vàng xuất phát từ 3 nguyên nhân chính đó là tăng cường dự trữ, phi đô la hóa các tài sản và cuối cùng là để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Vị chuyên gia này cũng đưa ra dự báo, trong năm nay nhu cầu mua vàng dự trữ của ngân hàng trung ương có thể tăng thêm 750 tấn và đạt mức cao nhất lịch sử.
Dẫn chứng về việc các ngân hàng trung ương đang tăng cường tích trữ vàng, vị chuyên gia phân tích của Goldman Sach cho biết, "Với tình hình hiện tại, Nga đang cố tích trữ Euro và Đô la nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, họ không thể mua nó trực tiếp trên thị trường quốc tế, cách duy nhất mà họ có thể làm lúc này đó là mua vàng."
Trong một thông cáo vào cuối tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga cũng tuyên bố nối lại hoạt động mua vàng sau 2 năm duy trì dự trữ đi ngang.
Theo ông Currie, 2 ngân hàng trung ương ở 2 quốc gia Trung Quốc và Thổ Nhĩ kỳ sẽ có nhu cầu mua vàng để phi đô la hóa các tài sản của mình.
"Với lý do đa dạng hóa danh mục đầu tư, ta sẽ có 2 ngân hàng trung ương làm đại diện là Brazil và Ấn Độ", Ông Currie dẫn chứng về việc các ngân hàng trung ương sẽ tăng mua vàng để đa dạng hóa danh mục tài sản nắm giữ.
Luận điểm thứ ba, ông Currie cho rằng nhu cầu mua vàng vật chất ở các nước châu Á cũng là một động lực để giá vàng có thể lên 2.500 USD/Ounce. "Nhu cầu về vàng ở các nước châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ vào quý 4 thường rất mạnh", chuyên gia này nhận định về nhu cầu vàng tại châu Á.
Ông Currie cho rằng ba yếu tố trên sẽ là động lực thúc đẩy giá vàng lên rất cao. Trong quá khứ, 3 nhân tố này đã cùng lúc tác động lên giá vàng vào giai đoạn 2010-2011, khi ấy giá vàng đã tăng gần 70%.
Diễn biến giá vàng 24 giờ qua, nguồn: Kitco
Ngân hàng Citibank sáng nay cũng đã cập nhật giá mục tiêu mới cho vàng. Theo đó, trong ngắn hạn 3 tháng tới, ngân hàng này cho rằng giá vàng sẽ đạt quanh mức 1.950 USD/Ounce, tăng 125 USD/Ounce so với dự báo trước đó.
Về triển vọng khoảng 6-12 tháng tới, nhóm phân tích của Citibank vẫn duy trì quan điểm giá vàng sẽ tiếp tục suy giảm. Nhóm này dự báo, trong kịch bản thị trường không khả quan, giá vàng có thể sẽ dao động ở mức 1.750 USD/Ounce.
Lý giải cho các dự báo, nhóm phân tích cho biết, "Mặc dù thị trường có phần kém sôi động hơn do ảnh hưởng từ việc Fed tăng lãi suất nhưng chúng tôi vẫn nghĩ rằng các các căng thẳng địa chính trị vẫn có thể hỗ trợ giá vàng trong ngắn hạn".
Một chuyên gia về vàng tại TP.HCM nhận định, giá vàng quốc tế đang bị ảnh hưởng bởi các thông tin liên quan đến ngành dầu khí, "giá vàng hiện đang quay lại kiểm tra mức hỗ trợ 2.000 USD/Ounce do thông tin UAE có thể tăng cung dầu".
Đánh giá về triển vọng giá vàng quốc tế sắp tới, chuyên gia này cũng cho biết, "xu hướng tăng vẫn có thể tiếp tục được duy trì nếu hai bên Nga và Ukraine vẫn tiếp tục xung đột".
(Tham khảo Bloomberg và Kitco)