Phiên điều chỉnh mạnh của chứng khoán Việt hôm 11/10 vừa rồi được nhận định chịu tác động phần lớn bởi chứng khoán Mỹ. Nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ giảm đến từ tuyên bố của Tổng thống Mỹ tiếp tục áp thuế thêm hơn 200 tỷ USD vào hàng hóa của Trung Quốc vào nước này.
Điều nhà đầu tư quan tâm trong bối cảnh hiện nay là thị trường có cơ hội để tăng điểm vào cuối năm? Họ nên đầu tư ra sao?... Dưới đây là góc nhìn của các chuyên gia xoay quanh “cú sốc” mạnh của chứng khoán Việt vừa qua cũng như những nhận định cho xu hướng sắp tới.
Cơ sở nào để thị trường tăng cuối năm?
(Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam – CN TP.HCM)
Thị trường lớn nhất thế giới giảm mạnh ngày hôm trước dẫn đến thị trường chứng khoán Việt cũng bán tháo mạnh theo ở phiên ngày 11/10. Nhưng có dấu hiệu tích cực dù ngắn hạn là vào phiên cuối tuần vừa qua lúc đầu phiên thị trường cũng phản ứng tiêu cực theo thị trường Mỹ ở phiên đêm trước đó nhưng gần hết phiên sáng thị trường bắt đầu hồi phục dần và đóng cửa tăng trở lại.
Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng chưa có sự chắc chắn thị trường đã hồi phục ổn định và tiếp tục uptrend. Rõ ràng, hôm 11/10 nhà đầu tư bán tháo rất mạnh gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khối ngoại bán ròng hơn 240 tỷ, tổng giá trị giao dịch 7.000 tỷ là con số lớn vì vậy phiên giao dịch hồi phục cuối tuần mang tính kỹ thuật, đôi khi cân nhắc nó là phiên bulltrap.
Cơ sở để thị trường cuối năm vẫn có. Kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp có thể tốt hơn. Thường kinh doanh quý III, đặc biệt quý IV doanh nghiệp có kết quả tốt hơn 2 quý đầu năm. Với chiến lược quản trị vĩ mô của Chính phủ và việc giữ ổn định lãi suất và tỷ giá, khả năng doanh nghiệp kinh doanh tương đối tốt, đây là cơ sở cho thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng tưởng trong thời gian tới.
Đó là yếu tố nội tại và thị trường Việt vẫn chịu bởi yếu tố bên ngoài. Do đó, nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dừng lại góc độ hiện nay, không tiến xa thì thị trường sẽ sớm chạm đáy và dần hồi phục ở cuối năm. Theo đó, VN-Index dao động từ 1.100 – 1.200 điểm.
Nếu chiến tranh thương mại ngày càng nghiêm trọng, hai bên liên tục trả đũa thì có thể kéo theo chiến tranh tiền tệ. Các quốc gia đặc biệt là Trung Quốc hay các quốc gia lân cận có thể sẽ tham gia phá giá đồng nội tệ để bảo hộ hàng hóa trong nước của họ. Khi đó việc kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp quý IV cho dù tốt nhưng không thể giúp thị trường tăng mạnh mà chỉ có thể giúp thị trường bớt giảm sâu và tăng ở mức trung bình. VN-Index sẽ ở vùng 900-1.000 điểm.
Cơ hội nào cho Việt Nam từ cuộc chiến thương mại?
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành, Trưởng Bộ phận đầu tư Tập đoàn Vinacapital
Diễn biến thị trường chứng khoán phiên 11/10 chủ yếu do ảnh hưởng bởi thị trường Mỹ, còn yếu tố nội tại không đáng ngại, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn tốt, nền kinh tế ổn định, GDP tăng trưởng từ 6,5-7%/năm, năm nay sẽ tăng trưởng gần 7%.
Đây là thời điểm mua vào những cổ phiếu tốt với giá hấp dẫn hơn, nhà đầu tư lưu ý các mã cổ phiếu có P/E dưới 18 lần, có kết quả kinh doanh tốt, thương hiệu tốt.
Sau việc thị trường chứng khoán Việt mới được tổ chức FTSE đưa vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi, nhà đầu tư đang kỳ vọng sắp tới thị trường tiếp tục được vào danh sách xem xét nâng hạng của một tổ chức khác là MSCI. Khi Việt Nam được vào danh sách này thì các quỹ phải đi mua và dự kiến khi thị trường chứng khoán Việt được vào MSCI thì khả năng họ phải đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không liên quan nhiều đến vấn đề xuất nhập khẩu mà liên quan nhiều hơn đến yếu tố trí tuệ. Khả năng Mỹ không áp thuế vào sản phẩm của Việt Nam xuất vào Mỹ vì chiến tranh phụ thuộc nhiều hơn tới vấn đề sở hữu trí tuệ. Chiến tranh thương mại tạo cơ hội cho Việt Nam, trước nhất một số doanh nghiệp nước ngoài mở nhà máy ở Việt Nam, tạo cơ hội tăng trưởng nhà máy sản xuất.
Chiến tranh thương mại kéo theo việc mất giá đồng NDT. Việc NDT mất giá 8% tạo áp lực về mặt xuất khẩu, chúng ta phải cạnh tranh không phải với Trung Quốc mà cạnh tranh với Indonesia, Malaysia, Philippines.
Vừa qua 2 thị trường tiền tệ ở Đông Nam Á không đi xuống là Thái Lan và Việt Nam, lý do được đưa ra là do tiền USD vay thương mại ít. VND mất giá không phải vì kinh tế mà nhà nước muốn cạnh tranh hơn về xuất khẩu so với các nền kinh tế nói trên.
Thị trường vẫn chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại
(Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân SSI)
Chịu ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường Việt Nam đã có những phiên giảm mạnh đặc biệt vào ngày thứ Năm (11/10), giảm 4,84%. So với các thị trường khu vực cũng giảm sâu như Shanghai Composite (-5,22%), NIKKEI 225 (-3,89%), KOSPI (-4,44%)…, nhà đầu tư trong nước bán ra không phải hành động vô lý. Ngoài ra, với một thị trường mà giao dịch hiện đang chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân, các biến động mạnh vào những ngày thứ Năm và thứ Sáu vừa qua đã từng xảy ra.
Trong ngắn hạn, động thái bán ra của khối ngoại đang gây ra tâm lý khá căng thẳng do lo lắng liệu đây chỉ là những hành động "tát nước theo mưa" hay sự quay lại với xu hướng bán ròng sau tháng 9 vừa qua. Theo thống kê, cả hai thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã được khối ngoại mua ròng trở lại với tổng giá trị 1,1 nghìn tỷ đồng sau 3 tháng bán ròng liên tục, phần nào tác động tích cực tới tâm lý thị trường.
Trong trung và dài hạn, xu hướng thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục ảnh hưởng bởi yếu tố chiến tranh thương mại. Dù vậy, cần lưu ý về nền tảng vĩ mô của Việt Nam vẫn đang ổn định. Quý III, GDP tăng 6,88% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 6,73% của quý II và làm đảo chiều xu hướng giảm dần đều trong 3 quý liền trước.
Nhà đầu tư nên bắt đáy thế nào?
(Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Trung tâm Phân tích, CTCP Chứng khoán Dầu khí – PSI)
VN-Index đã có nhịp bật lại khá tốt ở vùng 940-950 điểm để ổn định tâm lý nhà đầu tư. Nếu trong tuần qua, mốc này bị xuyên thủng, chỉ số có thế đã rơi về chân sóng ở 880 điểm thậm chí tiêu cực hơn. Dù vậy, điều này đã không xảy ra và nhà đầu tư nên quan sát các phiên đầu tuần này để có hành động hợp lý. Mọi hoạt động bắt đáy nếu có thực hiện cũng nên chờ vào các phiên này.
Trước mắt, tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang phụ thuộc chặt vào các diễn biến của thị trường thế giới. Các biến số như tỷ giá, giá dầu, chuyển động của khối ngoại tiếp tục được theo dõi sát sao. Qua quan sát diễn biến chứng khoán Mỹ tăng lại cuối tuần cùng với đó kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước quý III/2018 vẫn được kỳ vọng tích cực, tôi cho rằng VN-Index vẫn còn cơ hội để trở lại với xu hướng tăng được thiết lập kể giữa tháng 7.