Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tuần qua hôm 15/3 khi hàng loạt thông tin "có lợi" cho thị trường dầu liên tục xuất hiện.
Cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine đang có những tiến triển nhất định, làm giảm bớt sự lo ngại về gián đoạn nguồn cung. Trong khi đó, việc Trung Quốc "khoá" chặt 2 thành phố do số lượng ca nhiễm Covid-19 gia tăng mạnh làm dấy lên lo ngại về nhu cầu chậm. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, đã có những tín hiệu ủng hộ từ phía Nga cho việc nối lại thoả thuận hạt nhân Iran càng sớm càng tốt.
Trong phiên ngày 15/3, dầu Brent có lúc giảm 8,90 USD, tương đương 8,3% xuống 98 USD/thùng còn dầu WTI giảm 8,97 USD, tương đương 8,7% xuống 94,04 USD thùng trước khi hồi lại về mốc xấp xỉ 100 USD/thùng (dầu Brent).
Giá dầu thô Brent đã "thủng" mốc 100 USD/thùng.
Đây là lần đầu tiên cả 2 loại dầu thô này "thủng" mốc 100 USD/thùng từ ngày 1/3.
Tính ra, giá dầu Brent đã giảm gần 40 USD kể từ khi đạt mức cao nhất 14 năm hôm 7/3 trong khi dầu WTI giảm hơn 30 USD.
Giá dầu giảm mạnh sau tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergi Lavrov hôm 15/3 rằng thoả thuận hạt nhân Iran 2015 sẽ được nối lại càng sớm càng tốt và đang chờ Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Các cuộc đàm phán nhằm "hồi sinh" hiệp định hạt nhân dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với dầu mỏ của Iran gần đây đã bị đình trệ do yêu cầu của Nga.
Mặc dù mức giá 100 USD/thùng vẫn là cực kỳ đắt đỏ, các nhà hoạch định chính sách đã có thể thở phào nhẹ nhõm bởi lo ngại gia tăng lạm phát đã dịu đi phần nào. Trước đó, trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine leo thang, đã có những dự đoán cho rằng giá dầu sẽ vượt mốc 150 USD, thậm chí 240 USD/thùng vào giữa năm nay.