Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội vừa có công văn xin hướng dẫn của Bộ Xây dựng về quy định cao tầng và chiều cao công trình Tổ hợp Trung tâm thương mại, dịch vụ và khách sạn tại khu đất số 200 Yên Phụ (quận Tây Hồ).
Khu vực này trước đây là khách sạn Thắng Lợi, đã đổi tên thành Hilton Hanoi Westlake.
Nêu ý kiến về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, nhà cao tầng là ngôi nhà mà chiều cao của nó là yếu tố quyết định các điều kiện thiết kế, thi công hoặc sử dụng khác với các ngôi nhà thông thường.
Theo Ủy ban Nhà cao tầng Quốc tế, phân nhà cao tầng ra 4 loại: Nhà cao tầng loại 1 từ 9 - 16; Nhà cao tầng từ 17 - 25 tầng; Nhà cao tầng từ 26 - 40 tầng; Nhà cao tầng từ 40 tầng trở lên gọi là siêu cao tầng.
Khu vực khách sạn Thắng Lợi được đánh giá là một trong những địa điểm có vị trí đắc địa của Hà Nội nằm ven Hồ Tây. Trước đó, UBND TP Hà Nội cho biết, khách sạn Thắng lợi thuộc khu vực có quy định không cho phép xây dựng công trình cao tầng và các hoạt động lấn chiếm không gian hồ Tây |
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời đã giải thích “nhà cao tầng là nhà cao từ 8 tầng trở lên”. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho hay, giải thích này chỉ áp dụng trong phạm vi của Quy chuẩn Việt Nam về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời.
“Đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc với nội dung công trình cao tầng là công trình có chiều cao từ 9 tầng trở lên để xác định mốc nhà cao tầng trong công tác quản lý hoạt động xây dựng tại Thành phố là phù hợp với định nghĩa nhà cao tầng trên thế giới và mốc xác định nhà cao tầng tại các tiêu chuẩn quốc gia đang áp dụng trong thiết kế kết cấu cho công trình nhà cao tầng của Việt Nam”, Bộ Xây dựng thông tin.
Ngoài ra, theo Bộ Xây dựng, việc xác định chiều cao các công trình nói chung, tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ và khách sạn nói riêng, phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong đồ án quy hoạch chi tiết (hoặc tổng mặt bằng), thiết kế đô thị hoặc quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, trên nguyên tắc phù hợp các mục tiêu quản lý kiến trúc cảnh quan theo đặc thù từng đô thị, từng khu vực của đô thị; đảm bảo các yêu cầu quản lý về chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng, không gian, kiến trúc, cảnh quan và độ cao tĩnh không được phép xây dựng.
Trước đó, vào năm 2018, UBND TP Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng về đề xuất xây dựng Tổ hợp dịch vụ thương mại, khách sạn, căn hộ cao cấp 36 tầng tại khu đất này.
UBND TP Hà Nội cho biết, trước đó, Hà Nội nhận được văn bản của Công ty cổ phần Khách sạn Thắng Lợi đề nghị chấp thuận đề xuất nghiên cứu lập và triển khai dự án. Khu đất có tổng diện tích hơn 42.000m2. Trước đó, từ năm 2015, UBND thành phố đã đồng ý cho đơn vị này thuê để tiếp tục sử dụng làm khách sạn.
Trong hồ sơ, tại bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc, doanh nghiệp đề xuất giữ nguyên khối công trình cao 1-3 tầng đã xây trên đất có mặt nước. Tuy nhiên, khối dịch vụ khách sạn một tầng tại trung tâm khu đất được đề xuất dỡ bỏ để xây mới công trình 36 tầng với chức năng tổ hợp dịch vụ, thương mại, khách sạn và căn hộ dịch vụ.
Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực này không cho phép xây dựng công trình cao tầng và các hoạt động lấn chiếm không gian hồ Tây. Khách sạn Thắng Lợi thuộc loại công trình có kiến trúc đặc biệt, bảo tồn không gian và công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử, văn hóa, cảnh quan. Hơn nữa, theo quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử đã được UBND thành phố ban hành năm 2016, khu đất nằm tại vị trí không xây dựng công trình cao tầng.
“Việc cải tạo, nâng cấp khách sạn Thắng Lợi tại vị trí cảnh quan đẹp, điểm nhấn đô thị cho khu vực Hồ Tây nhằm cung cấp hệ thống khách sạn, thương mại, dịch vụ du lịch cao cấp tầm quốc tế tại trung tâm thủ đô là cần thiết, phát huy lợi thế vị trí. Tuy nhiên, việc công ty đề xuất công trình cao với quy mô 36 tầng là vượt quá quy định, không phù hợp với quy hoạch của khu vực” - văn bản của UBND TP Hà Nội nêu.
Khách sạn Thắng Lợi có lịch sử khoảng 40 năm, đạt tiêu chuẩn 4 sao, nằm trên đường Yên Phụ (Q. Tây Hồ, Hà Nội). Đây được đánh giá là một trong những địa điểm có vị trí đắc địa của thành phố, ven Hồ Tây với tổng diện tích khoảng 4,5ha. Từ khi đi vào hoạt động, khách sạn nhiều lần được thay đổi mô hình quản lý. Trong giai đoạn hạch toán tập trung bao cấp, từ năm 1975 đến 1986, khách sạn trực thuộc Chính phủ; từ 1986 đến 1995 được chuyển giao cho Công ty du lịch Hà Nội quản lý và hoạt động theo cơ chế của thị trường. Từ năm 1995 đến nay, khách sạn được hạch toán độc lập, tách ra khỏi Công ty du lịch Hà Nội để thành lập doanh nghiệp riêng theo mô hình quản lý mới. Cuối năm 2014, Tập đoàn BRG - tập đoàn đang vận hành hàng loạt các sân golf nổi tiếng gây xôn xao thị trường khi mua lại vốn của khách sạn này. Sau đó, Tập đoàn Hilton Worldwide đã ký kết thỏa thuận quản lý khách sạn này theo tiêu chuẩn 5 sao và sử dụng thương hiệu Hilton Hanoi Westlake - thuộc Tập đoàn Hilton. |
Thuận Phong