Với nhu cầu điện ngày càng lớn, Việt Nam đang phải đẩy mạnh sử dụng than trong sản xuất điện, kéo theo tăng nhập khẩu than từ nhiều thị trường.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , trong tháng 7/2024, nhập khẩu than các loại của Việt Nam đạt 5,4 triệu tấn, tương đương gần 670 triệu USD, giảm 25,2% về lượng và giảm 32,6% về trị giá so với tháng trước đó.
Tính chung 7 tháng đầu năm, nhập khẩu than các loại đạt 29,5 triệu tấn, trị giá hơn 4,3 tỷ USD, tăng mạnh 52,7% về lượng nhưng giảm 12,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá nhập khẩu bình quân 7 tháng đạt 124 USD/tấn, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Có nhu cầu tăng cao nhằm phục vụ cho sản xuất điện trong cao điểm mùa hè nắng nóng, Việt Nam đang tích cực nhập khẩu mặt hàng này từ nhiều thị trường lớn như Indonesia, Úc, Malaysia... Trong đó, Úc là thị trường nhập khẩu than các loại lớn nhất về kim ngạch của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm. Đứng sau lần lượt là Indonesia và Nga.
Đáng chú ý, Lào là một trong những quốc gia được Việt Nam lên kế hoạch nhập khẩu số lượng lớn.
Cụ thể, nhập khẩu than các loại từ Lào trong tháng 7 đạt gần 100 nghìn tấn với kim ngạch 7,38 triệu USD, giá đạt 74,3 USD/tấn.
Lũy kế 7 tháng, nhập khẩu mặt hàng này từ quốc gia láng giềng đạt hơn 1,26 triệu tấn, trị giá gần 83 triệu USD, giá bình quân đạt 65,5 USD/tấn. Đây là mức giá nhập khẩu rẻ nhất so với các thị trường khác. Trong khi đó, năm 2023, nước ta không thực hiện nhập khẩu than từ Lào.
Bộ trưởng Công thương cho biết, nhu cầu nhập khẩu nguyên, nhiên liệu của Việt Nam là rất lớn. Trong giai đoạn 2025 - 2030, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu than lên tới khoảng 60 - 100 triệu tấn/năm. Trong đó, để đảm bảo cung ứng đủ than cho sản xuất điện năm 2024, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than được giao chịu trách nhiệm thu xếp 74,307 triệu tấn than, các nhà máy thiết kế sử dụng khoảng 26,1 triệu tấn than nhập khẩu.
Do đó, Bộ Công thương đã triển khai xây dựng Hiệp định thương mại hợp tác mua bán than với Lào nhằm đảm bảo cho Việt Nam có nguồn cung than ổn định. Thị trường được đánh giá cao về tiềm năng và đang dần trở thành một nguồn cung cấp sản phẩm, nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam trong khối ASEAN.
Hồi tháng 7 năm nay, Bộ Công Thương cùng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác lĩnh vực than trong 5 năm. Theo đó, Lào dự kiến xuất khẩu khoảng 20 triệu tấn than mỗi năm sang Việt Nam, tùy nhu cầu và điều kiện thực tế thị trường.
Dù Lào đang có trữ lượng than lớn mà Việt Nam có thể nhập về nhưng việc mua bán giữa hai bên vẫn còn những hạn chế. Vụ Dầu khí và Than cho biết, thời gian qua, hợp tác mua bán than với Lào vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng giao thông hạn chế, chi phí vận chuyển cao dẫn đến giá than nhập khẩu từ Lào cao, không đảm bảo tính cạnh tranh với giá than sản xuất trong nước hay than nhập khẩu từ các quốc gia khác….
Để đây mạnh việc nhập khẩu, Bộ trưởng Công thương đã đề nghị các chủ mỏ than của Lào cơ cấu lại quy trình sản xuất, đầu tư hệ thống băng tải vận chuyển than qua biên giới để giảm giá thành khai thác, sản xuất, vận chuyển. Ông cũng đề nghị Bộ Năng lượng và Mỏ Lào báo cáo Chính phủ nước này bỏ thuế xuất khẩu than (10%).
Ngoài than, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào cũng muốn hai bên tăng hợp tác về năng lượng. Ông đề xuất Việt Nam sớm có khung giá mua điện từ Lào sau năm 2025, đấu nối đường dây điện 500 kV từ Lào về Việt Nam.