Không còn là đồn đoán, thêm một đại gia công nghệ toàn cầu đã theo làn sóng đầu tư đang dịch chuyển để tìm đến Việt Nam. Có trụ sở chính tại Đài Bắc, Pegatron hiện đang là nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn thứ hai thế giới sau Foxconn Technology của Đài Loan (Trung Quốc).
Pegatron nổi tiếng trong việc sản xuất các linh kiện của điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính để bàn, bo mạch chủ, thiết bị máy tính bảng, bảng điều khiển trò chơi, TV LCD, cùng nhiều linh kiện khác. Điều đáng lưu ý, Pegatron hiện đang xử lý khoảng 30% đơn đặt hàng lắp ráp của Apple.
Theo kế hoạch đã được đệ trình, tập đoàn sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử hàng đầu Đài Loan (Trung Quốc) đã sẵn sàng đầu tư 1 tỷ USD cho tổ hợp công nghệ sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam. Gói đầu tư được chia làm 3 dự án, bao gồm Pegatron Việt Nam 1 với tổng vốn đầu tư dự kiến 19 triệu USD, đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cấp chứng nhận đầu tư vào 17/3.
Pegatron Việt Nam 2 có tổng vốn đầu tư dự kiến 481 triệu USD. Hiện dự án đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục đầu tư.
Pegatron Việt Nam 3 có tổng mức đầu tư dự kiến 500 triệu USD, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2026-2027.
Bên cạnh đó, Petragon còn bày tỏ ý định chuyển trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) từ Trung Quốc sang Việt Nam vào giai đoạn 2026-2027, cùng với thời gian thực hiện dự án Pegatron Việt Nam 3.
Hiện nay, Pegatron đang nộp hồ sơ đến Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đề xuất thực hiện dự án Pegatron 2 ở Khu công nghiệp Nam Đình Vũ – Cát Hải để sản xuất thiết bị điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy tính, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử và bảng mạch.
Dự kiến, dự án này sẽ tạo ra khoảng 22.500 việc làm trực tiếp và đóng góp vào nguồn thu cho ngân sách khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm. Sản phẩm của dự án sẽ cung cấp cho Microsoft, Sony, Lenovo và Apple.
Mặc dù kế hoạch đầu tư lớn nhưng động thái của Pegatron có thể không quá bất ngờ khi trước đó, hàng loạt các hãng sản xuất lớn cho Apple cũng đã lần lượt xuất hiện hay mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Trong khi Foxconn đề xuất đầu tư thêm một khu công nghiệp (KCN) quy mô 600 ha tại Bắc Giang, đồng thời tiếp tục mở rộng KCN Bình Xuyên 2 giai đoạn II tại tỉnh Vĩnh Phúc thì tập đoàn Winstron cũng đã xin cấp phép đầu tư dự án 300 triệu USD tại Khu công nghiệp Đồng Văn 3 (Hà Nam). Gần như cùng thời điểm, Luxshare đã tiến hành xây dựng nhà máy ở Bắc Giang để chuyển một phần dây chuyền lắp ráp Apple AirPods về Việt Nam, thậm chí còn có thông tin cho rằng, tập đoàn này có thể đặt dây chuyền lắp ráp iPhone tại đây. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhận định của các chuyên gia rằng, Apple đang bố trí lại chuỗi sản xuất iPhone để giảm thiểu rủi ro, tận dụng ưu đãi, cũng như phù hợp với tình hình mới của thế giới.
Dù chưa có gì chính thức, nhưng sự hiện diện của bộ tứ cung cấp linh kiện hàng đầu cho Apple là Foxconn, Wistron, Luxshare, và mới đây nhất là Pegatron - tại Việt Nam càng củng cố thêm niềm tin rằng sự xuất hiện Iphone "made in Vietnam" có lẽ sẽ không còn bao xa, dù chỉ là những dòng sản phẩm đặc thù như Apple đã làm tại Ấn Độ.
Cũng theo báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với chủ đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (khu 2) vận động Universal Global Technology, thành viên Tập đoàn Công nghệ ASE Holding (Đài Loan), đầu tư dự án sản xuất và lắp ráp bảng mạch điện tử cho đồng hồ, điện thoại, tai nghe để cung cấp cho Lenovo, Sony.
Tổng vốn đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 của dự án là 200 triệu USD và sẽ tăng lên 400 triệu USD sau 3 năm hoạt động.