Dịch vụ chuyển mạng giữ số (MNP) đã được Bộ Thông tin & Truyền thông cùng với các nhà mạng đưa vào triển khai từ tháng 11/2018. Dịch vụ này nhằm mục đích giúp người tiêu dùng có thể tự do lựa chọn sử dụng các nhà mạng dựa trên chất lượng, dịch vụ mà không bị thay đổi số điện thoại. Trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông như Viettel, Vinaphone,… cũng có thể trực tiếp cạnh tranh thu hút khách hàng trên cơ sở tạo ra những lợi thế về chất lượng dịch vụ, giá cước, chăm sóc khách hàng.
Trong những tháng đầu tiên triển khai dịch vụ, tỷ lệ chuyển mạng thành công của VinaPhone lẫn MobiFone có chiều hướng ‘nhỉnh’ hơn Viettel. Tuy nhiên, có một vài tình trạng xảy ra trong giai đoạn này đó là có một số doanh nghiệp viễn thông từ chối sai, gây khó dễ cho thuê bao đăng ký chuyển mạng khiến cho tỷ lệ chuyển mạng chưa sát với tình hình thực tế.
Sau đó, Bộ Thông tin & Truyền thông đã phải ra quy định cho các nhà mạng đó là tỷ lệ chuyển mạng thành công phải từ 70% trở lên thì lúc này diễn biến cuộc đua có phần thay đổi. Viettel vươn lên dẫn đầu trong dịch vụ chuyển mạng giữ số chỉ sau vài tháng và giữ vững ngôi vị cho đến hiện tại.
Theo số liệu mới nhất của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông), sau gần 3 năm tiến hành dịch vụ MNP, số lượng thuê bao chuyển mạng thành công đã đạt mốc trên 2,2 triệu thuê bao trên tổng số 3,3 triệu thuê bao đăng ký chuyển mạng, chiếm tỷ lệ 67,5%.
Trong đó, 2 nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone đều ghi nhận số lượng thuê bao chuyển đến cao hơn rất nhiều so với số thuê bao chuyển đi với tỷ lệ thuê bao chuyển đến thành công lần lượt là 88,7% và 91,2%. Cụ thể, Viettel đã ghi nhận lãi hơn 540 nghìn thuê bao khi số lượng thuê bao chuyển đến thành công hơn 1,1 triệu thuê bao và chỉ có khoảng 630 thuê bao rời đi. Trong khi đó, Vinaphone chỉ lãi khoảng 177 nghìn thuê bao còn Mobifone lại lỗ khoảng 42 nghìn thuê bao.
Có thể thấy rằng, Viettel đã dần chiếm được sự tin tưởng và ưa thích của đại đa số người tiêu dùng khi trở thành nhà mạng có số lượng thuê bao chuyển đến lớn nhất Song, điều này không tạo ra một làn sóng dịch chuyển của người tiêu dùng vì vốn dĩ các nhà mạng đều tìm cách để giữ chân khách hàng, đặc biệt là những khách hàng VIP.
Nếu so về khả năng cạnh tranh thu hút khách hàng của 3 ‘ông lớn’ ngành viễn thông thì VinaPhone là luôn tung ra nhiều gói khuyến mãi, còn Viettel được ưa chuộng vì độ phủ sóng cao, chất lượng 3G/4G của Viettel luôn đứng đầu, dù ở các vùng núi cao thì người tiêu dùng vẫn có thể dễ dàng bắt được sóng từ nhà mạng. Gần đây, Viettel được biết đến là nhà mạng đầu tiên công bố chính thức kinh doanh thử nghiệm 5G tại Hà Nội với số trạm phát sóng ở thủ đô lớn nhất từ trước đến nay. Duy chỉ có MobiFone gặp khó khăn trong việc mở rộng đầu tư lẫn nhân sự nên thành ra yếu thế hơn so với 2 nhà mạng còn lại.
Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Thông tin & Truyền thông về chất lượng dịch vụ di động năm 2020, dịch vụ di động của Viettel được đánh giá cao nhất, vượt quy chuẩn của cả 6 chỉ tiêu kỹ thuật. Đặc biệt, độ sẵn sàng của mạng vô tuyến gần như đạt tỷ lệ tuyệt đối (99.99%), tỷ lệ cuộc gọi thành công (99,91%) và chất lượng thoại (99.55%). Trong khi đó, tỷ lệ cuộc gọi bị rơi của Viettel chỉ chiếm 0,27%, vượt trội hơn từ 2 - 7 lần so với các nhà mạng khác.
Trong tháng 6/2021, Viettel vẫn ghi dấu là nhà mạng đón nhiều thuê bao chuyển đến nhất khi có tới 32,8 nghìn thuê bao chuyển đến thành công và 2,7 nghìn thuê bao chuyển đi. Dữ liệu cho thấy số lượng thuê bao người dùng lựa chọn Viettel đã tăng thêm 23,3 nghìn thuê bao chỉ trong 1 tháng.
Tương tự, VinaPhone đã thực hiện chuyển mạng thành công cho khoảng 11,2 nghìn thuê bao trên tổng số 22,2 nghìn thuê bao đăng ký chuyển đến. Số thuê bao đăng ký chuyển mạng khỏi Vinaphone là 6,9 nghìn thuê bao, trong đó đã có 3,1 nghìn thuê bao thực hiện chuyển mạng thành công.
Cũng trong giai đoạn này, MobiFone đã đón 3,7 nghìn thuê bao chuyển đến thành công trong tổng số 6,2 nghìn thuê bao đăng ký chuyển mạng. Bên cạnh đó, nhà mạng này đã thực hiện chuyển đi thành công cho 1,8 nghìn thuê bao trên tổng số 7,3 thuê bao đăng ký chuyển đi.