Bên cạnh cuộc đua sầu riêng tại thị trường tỷ dân, Việt Nam và Thái Lan đang trở thành 2 quốc gia dẫn đầu thế giới ở một loại nông sản khác là sắn. Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới (sau Thái Lan); giá trị xuất khẩu từ năm 2013 đến nay bình quân đạt trên 1 tỷ USD, cao nhất đến 1,35 tỷ USD/năm, đứng thứ 4 sau lúa, cà phê, điều.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 3 đạt hơn 487.000 tấn với trị giá hơn 139 triệu USD, tăng 13,8% về lượng và 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Lũy kế trong quý 1/2025, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,2 triệu tấn với kim ngạch 379,7 triệu USD, tăng 29,7% về khối lượng, nhưng giảm 11,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Giá bình quân ước đạt 310,2 USD/tấn, giảm 31,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Xét về thị trường, mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong quý 1, nước ta đã xuất sang Trung Quốc hơn 1,1 triệu tấn sắn với trị giá hơn 349 triệu USD, tăng mạnh 30% về lượng nhưng giảm 13% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt 301 USD/tấn, giảm 33%.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá xuất khẩu sắn giảm là do tồn kho tinh bột sắn của các nhà máy tại Trung Quốc tăng khi các đơn hàng ký trước đó với Thái Lan và Việt Nam về cảng nhiều hơn. Ngoài ra, Hiệp hội Sắn Việt Nam nhận định giá sắn giảm là do tồn kho tinh bột sắn tại các nhà máy ở nước ta còn nhiều dẫn đến khả năng hấp thụ nguyên liệu chế biến giảm. Nguồn cung sắn lại tăng vì nông dân mở rộng diện tích càng gây áp lực khiến giảm giá khá mạnh.
Hiện nay, cả nước có trên 140 nhà máy chế biến tinh bột sắn với tổng công suất đạt 9,3 triệu tấn/năm. Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8-2 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến với người trồng sắn. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Đối với Thái Lan, dù là nước trồng sắn lớn thứ 3 thế giới với sản lượng 30 triệu tấn hàng năm (đứng sau Nigeria, với sản lượng khoảng 53 triệu tấn và Congo với sản lượng khoảng 46 triệu tấn), nhưng Thái Lan là nước xuất khẩu lớn nhất. Tổng giá trị xuất khẩu sắn của Thái Lan năm 2024 đạt 3,13 tỷ USD, giảm 15,6% so với năm trước. Năm thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan gồm Trung Quốc (51,4%), Nhật Bản (9,4%), Indonesia (7,4%), Đài Loan (5,1%) và Malaysia (4,1%).
Niên vụ 2024/25, sản lượng sắn của Thái Lan ước đạt 22,14 triệu tấn, tăng 1,5% so với niên vụ trước.