Liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh giá xăng E5 RON 92 tăng 720 đồng/ lít, giá bán lẻ 23.210 đồng, xăng RON 95 tăng 740 đồng/lít, giá bán lẻ 24.280 đồng/ lít. Dầu diesel cũng tăng hơn 470 đồng/ lít, giá bán lẻ 21.010 đồng, dầu hỏa tăng 560 đồng/ lít, giá bán lẻ 21.260 đồng/ lít, dầu mazut tăng 660 đồng/ kg, giá bán lẻ tăng 17.090 đồng/ lít.
Liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương quyết định không trích, chi sử dụng từ Quỹ bình ổn giá (trừ dầu mazut mức trích lập là 300 đồng một kg).
Trước đó, sáng 20/3, theo dữ liệu xăng dầu thế giới, giá dầu Brent tăng thêm 0,6% lên mức 87,38 USD/thùng, dầu WTI (Mỹ) tăng 0,9%, tương đương 75 cent, tăng lên 83,47 USD/thùng.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp xăng dầu trong nước cho biết sau kỳ điều hành trước, giá dầu thô có xu hướng quay đầu tăng mạnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, nhiều khả năng giá xăng dầu hôm nay trong nước có thể tăng trong kỳ điều hành lần này, dự kiến gái xăng có thể tăng khoảng 650-750 đồng/lít, dầu diesel tăng khoảng 450-550 đồng/lít.
Tuy nhiên, việc tăng giá xăng dầu còn phụ thuộc vào liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính sử dụng các nghiệp vụ quản lý của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Trước đó, ngày 14/3, Liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính có quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, xăng các loạt lần lượt giảm "nhỏ giọt", trong đó xăng E5 RON 92 giảm 20 đồng, giá bán lẻ ở mức 22.490 đồng/ lít; xăng RON 95 cũng giảm 10 đồng, giá bán ở mức 23.540 đồng/ lít.
Liên quan đến thị trường giá xăng dầu, mới đây trong văn bản gửi Ủy ban các tỉnh thành phố và các thương nhân kinh doanh xăng dầu về việc thực hiện quy định về hóa đơn điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở ngành tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện quy định lập và phát hành hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Bộ Công Thương đề nghị các cửa hàng xăng dầu xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng theo từng lần bán hàng và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định cho cơ quan thuế.
Bộ đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra và quyết liệt thực hiện quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Về hóa đơn điện tử xăng dầu, Thủ tướng cũng có nhiều chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Các bộ ngành và địa phương được giao đôn đốc, kiểm tra việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Thủ tướng giao các lực lượng chức năng phải xem xét xử lý với trường hợp không áp dụng hóa đơn điện tử đến hết ngày 31/3, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Báo cáo đến hết ngày 26/2 của Tổng cục Thuế, cả nước có hơn 7.500 cửa hàng kinh doanh xăng dầu bán lẻ đã xuất hoá đơn từng lần cho khách hàng theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn trên 13.800 cửa hàng vẫn chưa đáp ứng xuất hoá đơn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Công Thương.