Ahamove - startup giao hàng tức thì (on-demand delivery) vừa có biến động nhân sự cấp cao. Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Trường đã không còn đảm nhiệm vị trí CEO của startup này, theo nguồn tin riêng của Trí thức trẻ.
Nguồn tin này cũng cho biết, nếu như Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Go-Viet rời công ty với lý do xích mích với Go-Jek về tính pháp lý của công ty Go-Viet (công ty Việt hay công ty Indonesia, Go-Jek là công ty mẹ hay chỉ đầu tư…) thì nội bộ Ahamove lục đục về góc nhìn chiến lược của từng người.
Người thay thế ông Trường là ông Phạm Hữu Ngôn, CTO (Giám đốc Kỹ thuật) của Ahamove.
Ông Ngôn là dân kỹ thuật "nòi", mặc dù ít xuất hiện trên mạng xã hội nhưng khá có tiếng trong giới tech startup. Nếu như ở các tập đoàn đa quốc gia, khi thay CEO thì người có tiềm năng cao nhất để kế nhiệm chính là CFO (Giám đốc Tài chính) thì với công ty công nghệ ngôi vị CEO được nhường lại cho CTO cũng là điều hợp lý.
Ahamove trực thuộc Giao hàng Nhanh (nay là Scommerce), được sáng lập bởi ông Lương Duy Hoài và ông Phước Trần, một cựu thành viên của EasyTaxi. Ông Phước Trần nhanh chóng rời khỏi Ahamove chỉ sau 1 năm.
Ông Trường sinh năm 1984, gia nhập gia đình Ahamove khi startup này được 1 năm tuổi.
Khi Scommerce quyết định thử sức ở lĩnh vực giao đồ ăn trực tuyến với dịch vụ Lala, nếu như trận tuyến phía Nam được giao cho ông Vũ Hoàng Tâm (một người cũ của Grab) thì với lợi thế địa phương (dân Hà Nội) ông Trường được phân công đảm nhiệm cả chức vụ CEO Ahamove và là người khởi xướng cho Lala ở miền Bắc.
Tuy nhiên, chiến trường Food quá "đẫm máu". 3 tháng trước, Lala đã rời cuộc chơi.
Bản thân Ahamove cũng gặp sự cố hồi cuối tháng 1 khi khá đông các tài xế Ahamove tụ tập tại văn phòng công ty trên đường Thành Thái (Quận 10, TP.HCM) để phản đối sau những bức xúc vì bị Ahamove cắt thưởng, khóa tài khoản, đồng thời livestream và share trên mạng xã hội.
Ảnh: Facebook.
Một số tài xế còn giăng biểu ngữ với nội dung “Công ty Ahamove lừa đảo anh em tài xế” phía trước một trung tâm mua sắm, cũng là nơi đặt văn phòng của Ahamove.
Thời điểm đó, chia sẻ trên ICTNews, ông Trần Đức Huy - Giám đốc tiếp thị (Head of Marketing) của Ahamove, xác nhận có việc tài xế tụ tập phản đối tại công ty. Lý do là Ahamove đã cắt thưởng và khóa 2.000 tài khoản được cho là gian lận, nhưng việc này bị phản đối dữ dội.
Trong lần thay đổi nhân sự cấp cao này, ông Huy cũng là nhân sự rời khỏi Ahamove. Việc này được ông chia sẻ trên Facebook cá nhân 2 tuần trước.
Nguồn tin nói trên nhìn nhận: Nếu xét trong lĩnh vực giao hàng tức thì (on-demand delivery), Ahamove cũng thuộc hàng nhất nhì thị trường với vài chục ngàn tài xế thực hiện vài chục ngàn đơn hàng một ngày. Ngay một thời điểm xáo trộn cả hai vị trí quan trọng cũng là điều tương đối bất ngờ.
Trước đó, Go-Viet cũng đã có biến động nhân sự ở cấp cao nhất. Liệu đây có phải những biến cố của các startup yếu thế hơn trước "cơn bão lấy tiền đè người" của đại gia Grab?