Dịch Covid-19 đang tiến hành một cuộc "chọn lọc tự nhiên" tàn khốc nhất trong ngành F&B Việt Nam trong vài năm gần đây. Những cửa hàng nhỏ lẻ hoạt động thiếu hiệu quả đã phải đóng cửa trong tháng 2 vừa qua. Tới tháng 3/2020, đến lượt các chuỗi F&B lớn bị dịch Covid-19 ‘điểm mặt chỉ tên’.
Hôm qua, trên Facebook của mình, anh Mai Trường Giang – chủ của 2 thương hiệu Otoke Chicken và Chewy Junior Việt Nam đã đăng dòng chia sẻ: "Hôm nay rồi cũng phải quyết định đóng bớt nhà hàng bị lỗ không cứu được. Cảm giác buồn không thể tả… Chỉ mong mọi chuyện qua nhanh".
Hiện thương hiệu gà rán Otoke Chicken có khoảng 15 cửa hàng, chủ yếu ở TP. HCM, còn thương hiệu bánh ngọt nhân kem tươi Chewy Junior có khoảng 25 cửa hàng trải dài khắp cả nước.
Với đặc thù sản phẩm, các nhà hàng Otoke Chicken thường có diện tích lớn, còn các cửa hàng Chewy Junior có diện tích nhỏ, chủ yếu phục vụ việc mang đi. Thế nên, ông chủ Mai Trường Giang phải chọn đóng một vài cửa hàng Otoke Chicken đầu tiên, lúc nhu cầu tiêu dùng của người Việt ngày càng giảm sút.
Status nói về việc đóng bớt cửa hàng của Mai Trường Giang.
"Doanh nghiệp F&B và dịch vụ sẽ còn lỗ nặng nhiều tỷ đồng nữa trong thời gian 6 tháng tiếp theo, sau khi Hà Nội có ca mới… Chạy dọc ngoài đường, bạn sẽ thấy rất nhiều cửa hàng đóng cửa, hàng quán còn hoạt động thì vắng khách ngồi trong nhà hàng trong các giờ cao điểm.
Dịch vụ delivery – giao nhận thức ăn, đang giúp doanh nghiệp có doanh thu, nhưng không mang lại nguồn lợi nhuận đủ để cứu dòng tiền trong giai đoạn dịch này. Giải pháp nào để vượt qua giai đoạn khủng hoảng kéo dài 6 tháng nữa đây anh chị em?", anh Mai Trường Giang nhận định trong các bài đăng trước đó.
Theo anh, thì cuộc chiến của ngành F&B sẽ trở nên khốc liệt hơn trong mùa dịch, các "tay to" cũng trụ được qua mùa dịch, sau đó thì phải đi "cày" lại kết quả từ đầu. Làn sóng khởi nghiệp lần 2 sẽ diễn ra sau 10 năm thị trường sôi động.
Một "tay to" như thế trong ngành F&B của Việt Nam chính là Golden Gate. Tuy vậy, họ cũng đang cân nhắc việc đóng cửa bớt một số cửa hàng trong rất nhiều thương hiệu của mình.
Thông báo ngừng một số cửa hàng Gogi House từ Golden Gate.
"Tại Hà Nội, Golden Gate có đóng tạm mấy cửa hàng. Cụ thể: chúng tôi chỉ đóng tạm vài nhà hàng ngoài Hà Nội ở các trung tâm thương mại, có thể cuối tuần ổn hơn thì mở lại. Lý do chúng tôi đóng cửa là do quá ít khách. Miền Nam thì chưa đóng cửa hàng nào. Chúng tôi vẫn đang theo dõi tình hình kinh doanh.
Cả nền kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm, nếu không chấm dứt được dịch bệnh sớm trong 1 đến 2 tháng tới. Nhưng còn người là còn tất cả, chỉ là sẽ mất hết giá trị thặng dư của bao nhiêu lâu của nhiều người", ông Hà Thúc Tú, Giám đốc điều hành Golden Gate Red Hots, chia sẻ với chúng tôi.
Đối với các thương hiệu thuộc Golden Gate, bắt đầu ghi nhận việc đóng cửa ở một số điểm kinh doanh. Trên Fanpage của chuỗi Gogi House vừa thông báo, thương hiệu này sẽ tạm dừng hoạt động tại một số cửa hàng tại Hà Nội kể từ ngày 11/3/2020 cho đến khi có thông báo mới. Có 5 cửa hàng Gogi House tại Hà Nội bị ngưng hoạt động trong đợt này: Gogi House tại Hàm Nghi, Trần Văn Lai, Vạn Phúc, Phó Đức Chính, Nguyễn Văn Lộc.
Tương tự, thương hiệu Kichi-Kichi cũng thông báo 7 nhà hàng đóng cửa cả ngày, 3 nhà hàng đóng cửa buổi sáng chỉ mở buổi tối (17h- 22h) trong tổng số 22 nhà hàng của hệ thống tại Hà Nội. Lịch hoạt động mới này của Kichi-Kichi sẽ có hiệu lực từ ngày 11/3 đến 31/3/2020.
Golden Gate là một tập đoàn kinh doanh nhà hàng hàng đầu Việt Nam. Sau hơn 14 năm hoạt động, hiện doanh nghiệp này đang quản lý hơn 300 nhà hàng của hơn 20 thương hiệu, với đủ phong cách ẩm thực từ Việt Nam, Trung Hoa, Hàn Quốc, Mỹ, HongKong, Đài Loan…
Ở khía cạnh khác, TooCha, một thương hiệu trà sữa có quy mô trung bình tại TP. HCM, cũng bắt đầu đóng dần các cửa hàng. TooCha đã chậm lương tháng 1 và 2 của nhiều nhân viên trong hệ thống.
Một cửa hàng TooCha tại đường Nguyễn Thị Minh Khai đã đóng cửa.
Trên Fanpage của TooCha Việt Nam, status cuối cùng có từ ngày 24/2. Tức là trong khoảng 3 tuần qua, Fanpage của TooCha Việt Nam gần như đóng băng hoạt động. Và theo tìm hiểu của chúng tôi, cũng từ khoảng thời đó, có kha khá bài đăng trên Facebook của các nhân viên TooCha ở khắp mọi miền đất nước yêu cầu thương hiệu trà sữa này trả tiền lương tháng trước cho họ.
"Kính gửi toàn thể ban lãnh đạo CTY TNHH JANUS HOLDING. Tôi đại diện cho toàn thể nhân viên cửa hàng Toocha Cần Thơ muốn gửi tới các vị vài câu hỏi.
Theo qui định trên văn bản của công ty thì việc trả lương hàng tháng cho nhân viên rơi vào ngày 10-12 hàng tháng. Về việc trả lương trễ cho nhân viên kéo dài đến 23/2/2020 chúng tôi đã xí xoá cho qua do công ty các vị nói gặp khó khăn mong thông cảm. Nên chúng tôi chấp nhận nhận trước 40% lương tháng 1 mà 40% đó không được nhận đủ mà còn chia ra 2 đợt mỗi đợt 20% nữa chứ.
Sau đó lại hứa sẽ hoàn trả tất cả lương cho chúng tôi vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 các kiểu. Nhưng mắc cười thay từ 1/3 tới 7/3 hôm nay 5 lần 7 lượt hẹn chiều chuyển khoản mà chả thấy tiền đâu. Các vị nhắm xem 1 công ty trà sữa có tiếng ở Sài Gòn, lại mở nhiều nhiều chi nhánh trên cả nước thế thì định ăn quỵt 1 chút tiền cỏn con của nhân viên tụi tui à. Mong xem xét trả tiền lương tháng 1 và 2 cho tụi tui", status của một nhân viên tag thẳng đến Fanpage của thương hiệu vào ngày 7/3.
Một status tag thẳng mặt đòi tiền của một nhân viên TooCha Vietnam.
Để chứng thực, chúng tôi đã đi khảo sát tại Quận 1 - TPHCM, xác minh được có 2 cửa hàng TooCha gần nhau đều đã đóng cửa trả mặt bằng, một ở đường Nguyễn Thị Minh Khai và một ở đường Tôn Thất Tùng. Trên website và fanpage của TooCha Vietnam không thông báo bất cứ thông tin nào về việc họ đóng cửa cửa hàng, nhưng có lẽ tình hình kinh doanh của thương hiệu này đã rất nghiêm trọng.
Về TooCha Vietnam, tên thương hiệu này được nhiều người Việt Nam biết đến khá nhiều vào khoảng tháng 8/2019, khi họ đề nghị The Coffee House sang nhượng lại mặt bằng TenRen cho họ, lúc The Coffee House quyết định ngừng kinh doanh thương hiệu trà sữa này. Lúc đó, Tenren có 23 cửa hàng, còn TooCha có khoảng 15 cửa hàng. Cho đến cuối năm 2019, thì TooCha có khoảng 41 cửa hàng phủ khắp cả nước.
Cửa hàng Mr Bean Vietnam ở đường Tôn Thất Tùng đã đóng cửa.
Cùng chung cảnh ngộ thời dịch là thương hiệu F&B làm từ đậu nành Mr Bean từ Singapore, được Egroup của Shark Thủy nhượng quyền từ năm 2018. Status cuối cùng trên Fanpage của Mr Bean Việt Nam là vào 25/11/2019. Cuối năm 2019, Mr Bean Việt Nam có khoảng 12 cửa hàng ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM. Nhưng khi khảo sát, chúng tôi thấy cửa hàng lớn của họ tại 80 Tôn Thất Tùng đã đóng cửa.
Theo chia sẻ của một ông chủ có 5 cửa hàng kinh doanh thời trang, thì tiền nhà mỗi tháng tốn 450 triệu đồng, nhân viên hết 300 triệu đồng, thuế và các loại chi phí khác khoảng 50 triệu đồng. Tức là, mỗi tháng, doanh nghiệp của ông chủ này sẽ phải chi ra 800 triệu đồng chi phí. Nên nếu không có doanh thu hoặc doanh thu thấp, các chuỗi thường sẽ không cầm cự được lâu.