Với mong muốn sớm tìm được người mới thế chân hợp đồng thuê mặt bằng đã ký cùng chủ nhà, nhiều chủ cửa hàng sẵn sàng để lại toàn bộ nội thất đã đầu tư với giá 0 đồng để có thể rút được một phần tiền đặt cọc.
Cuối tháng 3/2020, một chủ kinh doanh khách sạn tại Hà Nội đăng tin tìm kiếm đối tác mới để vận hành hai khách sạn đang kinh doanh tại quận Hoàn Kiếm với giá 0 đồng.
Chủ khách sạn này cho biết đã đầu tư rất lớn vào hai cơ sở kinh doanh để chuẩn bị cho mùa du lịch đầu năm 2020 nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến anh bị thiệt hại nặng nề, không có khách đặt phòng. Không có doanh thu, trong khi hàng tháng vẫn phải chi ra số tiền lớn để vận hành dẫn đến cạn kiệt về tài chính.
Rất nhiều mặt bằng kinh doanh có giá thuê từ vài chục đến cả trăm triệu đồng/tháng đang chờ khách thuê mới |
Không còn đủ tiền để tiếp tục thực hiện bản hợp đồng đã ký với chủ nhà nên anh muốn tìm một đối tác có tiềm lực để tiếp tục vận hành khách sạn sau khi mùa dịch qua đi. Chủ khách sạn này cho biết sẵn sàng nhượng lại toàn bộ những gì đã đầu tư vào khách sạn với giá 0 đồng, mong muốn duy nhất của anh là có thể rút được 3 tháng tiền đặt cọc lên tới gần 4 tỷ đồng từ chủ nhà.
Không chỉ giới kinh doanh khách sạn, đến nay một số chủ cửa hàng kinh doanh cũng bắt đầu tìm kiếm khách mới thế chân mình thực hiện nốt bản hợp đồng đã ký với chủ nhà bằng việc nhượng lại toàn bộ mặt bằng kinh doanh với giá 0 đồng.
Đại diện một cửa hàng kinh doanh thời trang tại quận 3, TP.HCM, cho biết đang thuê mặt bằng là căn nhà 4 tầng với diện tích 30m2 mỗi sàn. Giá thuê 55 triệu đồng/tháng, hợp đồng kéo dài 5 năm (đến tháng 5/2024), điều khoản tăng giá 2 năm một lần dao động từ 5-10% tùy theo tình hình thị trường.
Chị cho biết để phục vụ hoạt động kinh doanh nên đã đầu tư khoản tiền khá lớn để làm nội thất, hệ thống điều hòa, giá kệ, kho, cửa từ an ninh, loa, camera, interet,... Gần đây chủ cho thuê mặt bằng cũng đã giảm giá thuê xuống còn 40 triệu đồng/tháng đến tháng 9/2020.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh trong suốt thời gian qua khiến chị không có điều kiện tiếp tục thực hiện bản hợp đồng thuê nhà đã ký nên muốn tìm một khách mới thế chân và sẵn sàng để lại tất cả đồ nội thất giá 0 đồng.
Về khoản tiền đặt cọc với chủ nhà trong 3 tháng (165 triệu đồng), chị chỉ lấy lại một phần là 50 triệu, còn lại hỗ trợ cho khách thế chân mình. Chị cũng chia sẻ, chủ nhà sẵn sàng thương lượng với khách mới về giá cả cũng như những điều khoản trong hợp đồng mới. Do đó, đây có thể là một cơ hội cho những khách thuê mới có tiềm lực về tài chính để đầu tư vào hoạt động kinh doanh sau mùa dịch.
Cùng với những tin rao chuyển nhượng lại mặt bằng kinh doanh với giá 0 đồng, trên thị trường TP.HCM cũng còn rất nhiều mặt bằng đang tìm khách thuê mới hoặc sang nhượng với giá rẻ nhưng có giá thuê dao động từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng/tháng. Những tin rao đều cho biết chủ nhà sẵn sàng thương lượng với khách thuê về giá cả và thời hạn thuê trong hợp đồng mới.
Nhiều chủ cho thuê mặt bằng sẵn sàng hỗ trợ khách thuê mới nhưng vẫn khó tìm được người thuê trong thời điểm này |
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết việc thị trường đang dư thừa mặt bằng cho thuê hiện nay là do những ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Những đơn vị kinh doanh với nguồn tài chính mỏng đã sớm phải đóng cửa, trả lại mặt bằng. Một số đơn vị kinh doanh lớn cũng đã buộc phải thu hẹp quy mô bằng việc cắt giảm một phần nhân sự, trả bớt một mặt bằng kinh doanh không hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí để cầm cự qua mùa dịch.
Vị chuyên gia này cũng cho biết đây là thời gian để chủ cho thuê mặt bằng và khách thuê ngồi lại với nhau, cùng nhau chia sẻ những khó khăn các bên đang gặp phải. Theo ông, nếu các bên có sự hỗ trợ lẫn nhau trong giai đoạn khó khăn này sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế sớm phục hồi trở lại khi những ảnh hưởng của dịch Covid-19 qua đi.
Theo Tổng cục Thống kê, những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 khiến số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong quý 1 có xu hướng chững lại. Tính chung quý 1, cả nước có 29.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 351.400 tỉ đồng, giảm 6,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong quý 1, có gần 34.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước), gồm: 18.600 doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; 12.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 20,6%; 4.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 0,02%).
(Theo Dân Việt)