Ngày 23/8 mới đây, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) đã ban hành nghị quyết về việc triển khai phương án mua lại cổ phiếu đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Theo phương án này, SIP muốn mua lại 2 triệu cổ phiếu để giảm vốn điều lệ.
Nguồn vốn thực hiện mua lại được trích theo thứ tự ưu tiên lấy từ thặng dư vốn cổ phần (31,3 tỷ đồng) đến quỹ khác thuộc chủ sở hữu (19,5 tỷ đồng) và cuối cùng là quỹ đầu tư phát triển (309,2 tỷ đồng) căn cứ theo BCTC riêng đã kiểm toán tại ngày 31/12/2021.
Việc mua cổ phiếu được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận. Giá mua không cao hơn 180.000 đồng/cổ phiếu và theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch. Và theo Thông tư của Bộ Tài chính, các văn bản pháp luật có liên quan và quy chế giao dịch chứng khoán hiện hành của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong mỗi ngày giao dịch tổng khối lượng đặt mua tối thiểu là 3% và tối đa là 10% khối lượng giao dịch đã đăng ký, tương đương với mỗi ngày SIP sẽ được mua từ 60 nghìn đến 200 nghìn cổ phiếu.
Thời gian dự kiến giao dịch sẽ trong quý 3, quý 4 năm nay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp nhận.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SIP đang giao dịch tại mức giá 141.900 đồng/cp, tăng khoảng 42% từ giữa tháng 6 tới nay, thấp hơn gần 40.000 đồng/cp so với mức giá tối đa 180.000 đồng/cổ phiếu mà công ty đặt "giới hạn" để mua cổ phiếu. Tạm tính theo thị giá hiện tại, SIP sẽ chi khoảng 284 tỷ đồng để mua lại 2 triệu cổ phiếu.
Theo Luật chứng khoán 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021, công ty đại chúng muốn mua lại cổ phiếu của chính mình phải tiến hành xin ý kiến cổ đông thông qua để giảm vốn điều lệ. Trong khi trước đây, doanh nghiệp muốn mua lại cổ phiếu của chính mình chỉ cần công khai thông tin mục đích mua, số lượng cổ phiếu được mua, nguồn vốn mua và thời gian thực hiện. Cũng theo luật trên, doanh nghiệp sau khi mua cổ phiếu quỹ sẽ tiến hành hủy lượng cổ phiếu quỹ đã mua, đồng thời không được chào bán cổ phần tăng vốn trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc việc mua cổ phiếu quỹ.
Do đó, sau khi đổi luật đến nay, SIP là công ty thứ hai sau HSG công bố sẽ mua cổ phiếu để giảm vốn điều lệ, tuy nhiên từ khi công bố vào quý 1/2021 đến nay, vẫn chưa thấy có thông báo chính thức gì về động thái mua lại cổ phiếu quỹ và giảm vốn điều lệ của HSG.
Điều đặc biệt là SIP mua lại cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ trong bối cảnh giá cổ phiếu đang tăng và công ty đang thực hiện các thủ tục để "chuyển nhà" từ Upcom lên niêm yết trên HoSE. Trong khi đó, mục đích HSG mua lại cổ phiếu quỹ là do thị trường khi đó diễn biến khá phức tạp trước thông tin dịch Covid-19 bùng nổ, điều này theo HSG có thể ảnh hưởng dến diễn biến giá cổ phiếu HSG trên thị trường; do đó nhằm bảo vệ lợi ích cổ đông và nhà đầu tư, HĐQT trình chủ trương mua lại cổ phiếu quỹ tuỳ theo diễn biến thị trường.
Kể từ khi đổi luật, mới chỉ có 22 tỷ đồng cổ phiếu quỹ được mua lại do một số công ty mua lại ESOP
SIP là đơn vị thành viên của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam ( GVR ), chuyên phát triển và xây dựng khu công nghiệp, khu dân cư, trung tâm thương mại.
Theo công ty chứng khoán ACBS, SIP là một trong những công ty phát triển khu công nghiệp (KCN) niêm yết lớn nhất miền Nam với tổng diện tích đất công nghiệp gần 3.200ha. Công ty hiện có 4 KCN và 4 khu đô thị liền kề các KCN tại TP.HCM, Đồng Nai và Tây Ninh. SIP khác với các công ty BĐS niêm yết khác vì là công ty duy nhất có thể phân phối điện, nước trực tiếp cho khách thuê với doanh thu chiếm khoảng 80% tổng doanh thu. Do đó, hoạt động kinh doanh của SIP ổn định hơn và ít bị ảnh hưởng bởi biến động dòng vốn đầu tư vào các KCN so với các chủ đầu tư khác.
Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, SIP đạt ghi doanh thu đạt 3.087 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 504 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Trong năm 2022, công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu 5.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 835 tỷ đồng, như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2022, công ty hoàn thành 59% kế hoạch doanh thu và 74% kế hoạch lợi nhuận năm.