SK Group đang tiến đến hoàn tất đợt rót vốn vào chuỗi nhà thuốc Pharmacity tại Việt Nam, theo DealStreetAsia. Trước đó, nguồn tin từ báo Hàn ghi nhận SK Group dự kiến đầu tư 100 triệu USD cho chuỗi này. Thương vụ được biết đã tiến đến vòng đàm phán cuối cùng vào tháng 6/2021, và đây được xem là một phần trong nỗ lực của tập đoàn Hàn Quốc nhằm khai thác thị trường bán lẻ và chăm sóc sức khỏe đang phát triển nhanh ở Đông Nam Á.
Được biết, SK Group là tập đoàn kinh doanh lớn thứ ba của Hàn Quốc và hoạt động khá sôi động tại thị trường Việt Nam. "Chúng tôi đang nghiên cứu một số khoản đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm cả lĩnh vực chăm sóc sức khỏe", một đại diện cấp cao của Tập đoàn chia sẻ. Đáng chú ý, năm 2020 SK Group cũng đã mua 12,3 triệu cổ phiếu – tương đương 24,9% cổ phần của Dược phẩm Imexpharm, chính thức trở thành cổ đông lớn nhất tại công ty này, vượt qua cổ đông Tổng Công ty Dược Việt Nam đang nắm giữ 22,9% cổ phần.
Tại Việt Nam, SK Group hiện đã rót gần 1 tỷ USD để mua cổ phần của Vingroup và hơn 1,2 tỷ USD để mua cổ phần của Masan Group cùng các công ty con The CrownX và Vincommerce.
Về Pharmacity, Công ty được thành lập vào năm 2011 và đang điều hành khoảng 600 cửa hàng tại Việt Nam. Theo kế hoạch đã công bố, Pharmacity dự tăng gấp đôi số cửa hàng của mình lên 1.000 cửa hàng vào cuối năm 2021, tiến đến mốc 5.000 nhà thuốc vào cuối năm 2025. Điều này cho phép hơn 50% người dân Việt Nam có thể đến nhà thuốc Pharmacity trong vòng 10 phút lái xe, đại diện chuỗi cho hay. Tương ứng, chuỗi mục tiêu thu về mức doanh thu hơn 1,5 tỷ USD sau 5 năm và tạo ra lực lượng lao động với hơn 20.000 nhân viên, tăng từ 3.500 nhân viên như hiện tại.
Để thực hiện tham vọng trên, đầu năm nay công ty mẹ của Pharmacity là Maroon Bells cũng công bố kế hoạch phát hành hơn 1.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi để có nguồn lực cho việc mở rộng sắp tới.
Thực tế, Pharmacity cũng liên tục huy động vốn thời gian gần đây, điểm lại có đợt phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu (khoảng 6,5 triệu USD) vào cuối năm 2019. Đầu năm 2020, Công ty tiếp tục huy động 370 tỷ đồng (khoảng 31,8 triệu USD) – khoản đầu tiên của vòng series C và là vòng gọi vốn lớn nhất từ trước đến nay.
Liên tục mở rộng quy mô, tình hình kinh doanh tại Pharmacity vẫn đang miệt mài thua lỗ, với mức lỗ tăng bằng lần mỗi năm. Gần nhất năm 2020, Công ty lỗ đến 421 tỷ đồng, gấp đôi con số của năm 2019. Theo đó, đưa tổng lỗ lũy kế đến cuối năm qua vượt mức 1.000 tỷ đồng.
Tham gia vào cuộc chơi đốt tiền, Pharmacity cũng vừa công bố kế hoạch 5 năm với tầm nhìn phát triển một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện. Bởi, ngành công nghiệp Dược phẩm hiện tại trị giá 7,4 tỷ USD, chi tiêu trung bình cho dược phẩm đã tăng với tốc độ trung bình 14% trong 10 năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tương lai… những thống kê sơ bộ cho thấy tiềm năng của thị trường dược phẩm Việt Nam, đồng thời lý giải cho cuộc đua khốc liệt của những tay chơi trên trường OTC.
Ông Chris Blank – Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Pharmacity cho biết: "Tầm nhìn của chúng tôi là Pharmacity trở thành sự lựa chọn hàng đầu về chăm sóc sức khỏe của tất cả mọi người dân Việt Nam. Các nhà thuốc của Pharmacity cung cấp đa dạng các loại dược phẩm bên cạnh các sản phẩm chăm sóc cá nhân, vitamins và các thức phẩm chức năng với hơn 10.000 sản phẩm".
Trong 5 năm tiếp theo, Công ty dự kiến phát triển hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Theo lộ trình, Pharmacity sẽ ra mắt "siêu ứng dụng" nhằm cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau bao gồm Dược sĩ và bác sĩ trực tuyến, lưu trữ hồ sơ sức khỏe, đặt xe cấp cứu và ứng dụng truy xuất.