Ông Tony Fernandes, CEO của AirAsia chia sẻ với Financial Times rằng sau khi thành công mua lại mảng kinh doanh tại Thái Lan của Gojek, hãng hiện đang xem xét các thương vụ mua lại tiềm năng tại Việt Nam, Philippines và Campuchia.
Ngoài ra, AirAsia cũng đang tìm cách sáp nhập hoạt động kỹ thuật số với một công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC), hoặc các công ty séc trắng.
Ông Tony Fernandes. Ảnh: Mohd Rasfan/ AFP
Đối với thương vụ Gojek Thái Lan, ông Toney khẳng định, đây không phải là thương vụ duy nhất. Thời gian tới, hãng sẽ hợp tác nhiều hơn nữa với ứng dụng dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và thanh toán của Gojek. AirAsia cũng kỳ vọng sẽ hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ khác trong khu vực.
Sắp tới, đơn vị fintech của AirAsia là BigPay cũng sẽ công bố khoản đầu tư 100 triệu USD từ "một tập đoàn lớn".
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp, từ ngân hàng đến công ty logistics và các nhà bán lẻ trên toàn cầu đang nỗ lực trở thành "siêu ứng dụng" nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.
Siêu ứng dụng của AirAsia tập trung vào dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn, logistics và thương mại điện tử, tương tự như BigPay.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến các quốc gia buộc phải đóng cửa, hãng hàng không của tập đoàn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. AirAsia đã tạm dừng hoạt động tại Nhật Bản, trong khi AirAsia X - một công ty con của AirAsia, đang tìm cách tái cơ cấu khoản nợ có trị giá khoảng 15,3 tỷ USD.
Theo đó, đại diện AirAsia kỳ vọng hoạt động số của AirAsia sẽ bù đắp những thiệt hại đáng kể vừa qua của công ty.
Theo thỏa thuận, Gojek sẽ nhận được 4,76% cổ phần trong Công ty AirAsia SuperApp của AirAsia - mảng kinh doanh được định giá khoảng 1 tỷ USD. Thỏa thuận này cũng là thách thức mà AirAsia sẽ phải đối mặt, bởi hiện chưa có siêu ứng dụng lớn nào trong khu vực có lợi nhuận, kể cả Gojek hay Grab. Thậm chí ứng dụng giao đồ ăn Zomato (Ấn Độ) cũng đang thua lỗ.