Liên minh châu Âu là nơi có thị trường buôn bán phát thải carbon lớn nhất thế giới. Mỗi doanh nghiệp được cấp phép thải ra một lượng CO2 nhất định. Nếu thải ít hơn, họ có dư và được phép bán cho những doanh nghiệp thải nhiều.
Tính tới hết ngày 17/5, phát thải carbon của EU có giá là 56,34 euro (khoảng 68,53 USD)/tấn. Đây là mức giá gần đạt tới đỉnh kể từ khi thị trường mua bán này được xây dựng năm 2005. Các hợp đồng tương lai cho tháng 12/2021 cũng đã tăng lên trên 50 euro dù nó chỉ có giá 20 euro vào trước đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các nhà phân tích và giới đầu tư tin rằng đợt tăng giá kỷ lục này sẽ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sớm.
Là nền tảng của chính sách khí hậu và năng lượng của EU, Hệ thống Mua bán Phát thải Carbon (ETS) là công cụ chính để EU giảm phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu. ETS được thiết kế để giảm lượng phát thải CO2 của các doanh nghiệp gây ô nhiễm cao nhất khu vực, từ hàng không cho đến khai mỏ cũng như giảm chi phí cho họ. Các ngành này chiếm khoảng 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của EU.
Hoạt động mua bán phát thải cũng là chìa khóa trong nỗ lực giảm 55% khí thải carbon của EU (so với năm 1990) vào năm 2030 đồng thời đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Kinh doanh phát thải carbon là gì?
Một cuộc khảo sát thị trường hàng năm của Refinitiv được công bố ngày 11/5 cho thấy chi phí phát thải ở châu Âu đang ngày càng ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư. Với 303 người được hỏi, chủ yếu là doanh nhân hoặc những nhà quản lý trên thị trường phát thải carbon, họ tin rằng giá của loại hàng hóa đặc biệt này sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Giá trung bình cho mỗi tấn phát thải carbon dự kiến là khoàng 40 euro trong năm 2021 trước khi tăng lên 80 euro vào cuối thập kỷ. Các nhà phân tích tại Refinitiv cho rằng giá carbon ở EU có thể chạm mốc 89 euro vào năm 2030 nhưng một số nhà phân tích nói rằng con số thực tế sẽ vượt xa số đó.
Giá phát thải carbon cần cao hơn nữa?
Lawson Steele, một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực giao dịch phát thải carbon, tin rằng giá có thể đạt tới 110 euro/tấn vào cuối năm nay. Nó gấp đôi so với mức bùng nổ của thời điểm hiện tại.
"Tôi biết mình có thể sai. Có thể là không phải 110 euro vào cuối năm mà sớm hoặc muộn hơn một chút. Dẫu vậy, con số thực tế sẽ không chênh lệch quá nhiều với con số tôi dự đoán", Steele cho biết. Điều đó đồng nghĩa với việc các ngành công nghiệp như hàng không, hóa chất, thép và khai mỏ sẽ nằm trong nhóm có nguy cơ chịu nhiều tổn hại nhất trong những tháng tới.
Trong khi đó, những ngành công nghiệp phát thải nhiều carbon tin rằng giá cao có thể lạm chậm quá trình đầu tư vào công nghệ mới của họ, dẫn tới sự trì hoãn trong nỗ lực chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch mà họ đang hướng tới. Nói ngắn gọn, họ tin rằng giá phát thải carbon tăng cao sẽ lợi bất cập hại với môi trường.
Tuy nhiên, Steele lại không đồng ý với quan điểm này. "Tôi muốn nhấn mạnh ngành công nghiệp nói chung chẳng làm được gì nhiều suốt 16 năm qua, quãng thời gian mà chương trình mua bán phát thải carbon được đưa vào áp dụng".
Dẫu vậy, ông Steele cũng dẫn ra ngoại lệ, đó là ngành điện. "Dù muộn màng" nhưng việc giá phát thải carbon cao hơn đã buộc họ chuyển đổi từ nhiệt điện dùng than sang khí đốt và các hình thức khác. "Than tạo ra gấp đôi lượng carbon so với khí vì thế, họ đã giảm được một nửa lượng khí thải CO2 ra môi trường", ông Steele nói.
Bản thân ông cho rằng giá phát thải carbon cần phải cao hơn nhiều so với thời điểm hiện tại để có thể làm thay đổi hành vi trong các ngành công nghiệp. Quan điểm này cũng được nhiều nhà phân tích đồng thuận. Họ cho rằng, giá carbon cao gấp đôi với hiện nay sẽ đủ để thúc đẩy áp dụng các công nghệ tái tạo đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách không can thiệp vào thị trường này.
Thuế điều chỉnh biên giới
Một vấn đề đang gây đau đầu cho kế hoạch tham vọng của EU là "rò rỉ carbon", cụm từ được dùng để mô tả việc các doanh nghiệp chuyển sản xuất (và cả khí thải) sang nơi khác để né tránh chi phí tương đối cao ở châu Âu.
EU dự kiến sẽ đề xuất các cải cách để giải quyết vấn đề này trong những tháng tới, với khả năng áp dụng cái gọi là "thuế điều chỉnh biên giới carbon" từ năm 2023. Theo đó, chính sách này là nỗ lực nhằm cân bằng sân chơi về khí thải carbon thông qua việc áp dụng định giá carbon trong khối đối với hàng hóa nhập khẩu.
Các nhà phân tích tại Morgan Stanley nói rằng việc áp thuế có thể mang lại lợi ích cho một số công ty trong dài hạn nhưng cảnh báo nó có thể dẫn đến những căng thẳng giữa EU và các đối tác thương mại của họ. Ngay cả khi các nước đều đang hiện thực hóa những cam kết tham vọng về chống biến đổi khí hậu, các chuẩn của châu Âu vẫn là quá cao đối với phần còn lại của thế giới.
Một số quốc gia trên toàn cầu, đặc biệt là những nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đã kiên quyết phản đối ý tưởng liên quan đến cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Trong tuyên bố chung ngày 8/4, các Bộ trưởng của Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc với kế hoạch của châu Âu.
Trong khi đó, dưới chính quyền của Tổng thống Biden, Mỹ có thể áp loại thuế này trong thời gian tới.