Trong lúc dịch Covid-19 đang bùng phát, Vinpearl mới đây đã thông báo đóng cửa 7 khách sạn thuộc hệ thống tại Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc. Mục đích đóng cửa để duy tu và bảo trì trong giai đoạn thấp điểm cũng như do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cụ thể, tại Nha Trang, doanh nghiệp này cho đóng cửa khách sạn Vinpearl Discovery 1 Nha Trang và Vinpearl Condotel Empire Nha Trang đến hết tháng 3 này. Tại khu vực Đà Nẵng, Vinpearl cho đóng cửa khách sạn Vinpearl Resort & Spa Hội An và Vinpearl Resort & Spa Đà Nẵng và không đưa ra thời gian hoạt động lại cụ thể.
Tại Phú Quốc, 3 khách sạn của hệ thống bao gồm Vinpearl Resort & Golf Phú Quốc, Vinpearl Discovery 3 Phú Quốc và Vinpearl Luxury Phú Quốc cũng được tạm thời đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.
Riêng các khu vui chơi giải trí Vinpearl Land tại Nha Trang, Phú Quốc, Nam Hội An và Thủy cung Times City vẫn hoạt động bình thường.
Đối với các khách hàng đã đặt phòng nghỉ dưỡng tại 7 cơ sở này trong thời gian đóng cửa, doanh nghiệp cho biết sẽ điều chuyển họ đến những cơ sở khách thuộc hệ thống tại cùng khu vực, đồng thời được nâng cấp các dịch vụ trong quá trình lưu trú.
Vinpearl đã cho đóng cửa 7 khách sạn thuộc hệ thống tại Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc để bảo trì, duy tu.
Vinpearl là hệ thống khách sạn, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí với 45 cơ sở tại 17 tỉnh thành, bao gồm 35 khách sạn với công suất hơn 17,200 phòng khách sạn và biệt thự; 5 khu vui chơi giải trí, 2 công viên bảo tồn và chăm sóc động vật hoang dã, 4 sân golf...
Ngay sau khi Vinperl đóng cửa nhiều khách sạn, Tập đoàn Sun Group cũng cho biết đã đóng cửa một số khu vui chơ để bảo trì. Cụ thể, công viên châu Á - Sun World Danang Wonders của Sun Group tại Đà Nẵng đã đóng cửa từ 17/2 để bảo trì, cải tạo cảnh quan. Đơn vị hứa hẹn sẽ trở lại vào 30/4 với một diện mạo hoàn toàn mới đón cao điểm mùa du lịch hè 2020.
Công viên Rồng – Dragon Park tại tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Halong Complex (Hạ Long, Quảng Ninh) cũng đóng cửa ngày thường và mở cửa cuối tuần.
Sun Group đóng cửa công viên, giảm giờ hoạt động để bảo trì.
Ngoài ra, Sun World BaDen Mountain tại núi Bà Đen – Tây Ninh với 2 tuyến cáp treo thì chỉ có một tuyến hoạt động bình thường và 1 tuyến giảm giờ phục vụ. Cụ thể, tuyến cáp treo Vân Sơn đưa du khách chinh phục đỉnh núi Bà Đen đã giãn chuyến ra cách nhau 1 tiếng, còn tuyến cáp treo Chùa Hang vẫn hoạt động như bình thường.
Cáp treo tại Fansipan, Lào Cai – Sun World Fansipan Legend hiện đang hoạt động bình thường, song có khả năng đóng cửa bảo trì vào hai thời điểm là 17-19/3 và 23-26/3.
Được biết, trong thời gian này nhiều khu nghỉ dưỡng khắp từ Bắc đến Nam đều lâm vào tình trạng khó khăn khi lượng khách sụt giảm từ 70-80%. Nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn tại các thị trường nghỉ dưỡng như Sapa, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đều cắt giảm chi phí tối đa, cho nhân viên nghỉ luân phiên, cắt giảm lương.
Thậm chí ngay tại Hà Nội, các khách sạn ở phố cổ Hà Nội lâm cảnh đìu hiu. Nhiều khách sạn không thể cầm cự, buộc phải giảm giá, thậm chí đóng cửa để giảm chi phí. Cách Hồ Gươm chưa đầy 200 m là phố Lò Sũ (quận Hoàn Kiếm) - nơi tập trung nhiều khách sạn vào loại nhất nhì ở phố cổ Hà Nội cũng thưa vắng hẳn. Đến cuối tháng 2, một số khách sạn phải treo biển đóng cửa, ngừng hoạt động.
Khách sạn trên phố cổ cái đóng cửa, cái treo biển giảm giá tới 60%.
Bà Phạm Thị Hằng, chủ khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel, bày tỏ: "Sau hơn 2 tháng vật lộn với các phương án chống chọi trong kinh doanh để khắc phục tổn thất, chúng tôi buộc phải đóng cửa từ 23.2. Gần 3 tháng nay, tổn thất của công ty lên đến hơn 20 tỉ đồng, đây là con số bằng cả đời đã tích góp".
Chưa đến mức phải đóng cửa, nhưng một số khách sạn trên phố Cầu Gỗ, Đinh Lễ, Hàng Buồm, Bảo Khánh, Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm)… đều cố gắng cầm cự bằng cách giảm giá phòng lên đến 50 - 60%. Đây là mức giảm chưa từng có.