Trong lúc nước Mỹ mới chỉ đang bắt đầu đối phó với những cú sốc đầu tiên từ đại dịch Covid-19, chúng ta vẫn cần phải công nhận một sự thật đau lòng: đây là khởi đầu của một chuỗi những khủng hoảng nối tiếp sắp ập đến sẽ gây ra những con sóng liên tiếp tấn công mọi ngõ ngách trên thế giới này. Và chúng ta sẽ không thể quay trở lại cuộc sống bình thường trước kia trừ khi các nước lớn có thể tìm ra cách nào đó để hợp tác và cùng nhau giải quyết những rắc rối này.
Giai đoạn đầu tiên của chuỗi khủng hoảng chính là khủng hoảng y tế ở các nền kinh tế lớn trên khắp thế giới. Tiếp theo sẽ là khủng hoảng kinh tế, ở mức độ mà chúng ta vẫn đang dò đoán và nhiều chuyên gia cho là còn tồi tệ hơn các cuộc khủng hoảng thế giới đã từng trải qua. Chỉ trong 2 tuần, nước Mỹ đã mất 10 triệu việc làm – lớn hơn cả con số 8,8 triệu việc làm "bốc hơi" trong suốt 106 tuần của khủng hoảng tài chính 2008.
Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu.
Ở giai đoạn tiếp theo, thế giới đối mặt với nguy cơ nhiều quốc gia rơi vào cảnh vỡ nợ. Italy bước vào cuộc khủng hoảng này với vị thế là nước có tỷ lệ nợ công cao nhất ở Eurozone và cao thứ 3 thế giới. Nợ của Italy sẽ tăng vọt vì phải trang trải số tiền khổng lồ để chống chọi với dịch bệnh.
Italy là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu, nhưng cũng là một trong số nhiều nền kinh tế châu u sẽ đối mặt với cú sốc tài khóa, ở thời điểm mà kể cả những nền kinh tế đầu tàu – vốn sẽ cung cấp tiền bạc và những gói cứu trợ cho các thành viên khó khăn – cũng đang nguy khốn. Ví dụ, kinh tế Đức được dự báo sẽ suy giảm 5% trong năm nay, sau khi chưa từng suy thoái trong suốt 40 quý gần đây.
Nạn nhân tiếp theo là các nền kinh tế đang phát triển. Cho đến nay, số ca nhiễm ở các nước như Ấn Độ, Brazil, Nigeria và Indonesia vẫn ở mức khá thấp. Một trong những lý do giải thích cho điều này là họ có mức độ kết nối về thương mại và du lịch thấp hơn so với các nước phát triển. Hơn nữa năng lực xét nghiệm cũng ở mức thấp, khiến các con số có thể chưa chính xác.
Nhưng trừ khi chúng ta may mắn và giả thiết nhiệt độ cao có thể kiềm chế virus, các nước đang phát triển mới là nhóm dễ tổn thương hơn. Với tình trạng thiếu tiền mặt, doanh thu thuế sụt giảm, cộng với sự cần thiết phải tung ra những gói trợ cấp khổng lồ, các nước này dễ dàng rơi vào phiên bản Đại suy thoái của riêng mình.
Sau đó là đến nhóm các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ. Kể cả khi cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga đã được giải quyết khiến giá dầu thế giới bật tăng, nhu cầu về dầu đã sụp đổ và không thể sớm hồi phục. Giá rơi xuống mức 10 USD và neo ở đó trong thời gian dài là kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra. Hãy tưởng tượng điều đó có ý nghĩa gì đối với những nước như Libya, Nigeria, Iran, Iraq hay Venezuela, nơi nguồn thu từ dầu mỏ chiếm phần lớn ngân sách (nếu không muốn nói là toàn bộ nền kinh tế). Họ chỉ có thể kiếm lời nếu bán được giá 60 USD/thùng dầu trở lên. Nhóm này có thể đối mặt với khủng hoảng chính trị, khủng hoảng di cư, thậm chí là các cuộc cách mạng ở quy mô mà chúng ta chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Thế giới bước vào đại dịch với 2 thách thức cực kỳ lớn.Thứ nhất là 1 thế giới chìm trong nợ, cả nợ tư nhân và nợ chính phủ. Tổng GDP toàn cầu là 90 nghìn tỷ USD nhưng tổng nợ công và tư đã lên tới 260 nghìn tỷ USD. Hai nền kinh tế lớn nhất – Mỹ và Trung Quốc – có tỷ lệ nợ/GDP lần lượt là 210% và 310%.
Hoàn toàn có thể kiểm soát được nợ nếu không có thách thức thứ hai: cuộc khủng hoảng này xảy ra ở thời điểm mà mạng lưới hợp tác toàn cầu đang có nhiều điểm rạn nứt và Mỹ, với chính sách "nước Mỹ trước tiên" đang khước từ vai trò dẫn dắt.
Tháng trước, thậm chí nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới G7 không thể ra thông báo chung bởi Mỹ từ chối ký vào bất kỳ văn bản nào không đặt tên dịch bệnh là "virus Vũ Hán". Từ trước đến nay, trọng tâm của bất kỳ nỗ lực toàn cầu nào cũng cần có sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng thay vào đó, mối quan hệ Mỹ Trung đang ngày càng xấu đi, với hai bên liên tục đổ lỗi cho nhau. Cuộc họp G20 cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Ở "lục địa già", Liên minh châu u quá chậm trễ trong việc nhận thức mức độ nghiêm trọng và quy mô của đại dịch. Sau cuộc họp gần nhất của NHTW châu Âu ECB, chứng khoán Italy có cú rơi mạnh nhất trong lịch sử.
Chúng ta sẽ đạt được gì nếu các nước trên toàn thế giới hợp tác tốt hơn? Vì các biện pháp chống dịch liên quan mật thiết đến hoạt động du lịch, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu các nước hợp tác chặt chẽ với nhau. Trong khủng hoảng 2008, NHTW và chính phủ các nước đã cùng nhau làm việc để ngăn chặn khủng hoảng lây lan. Nếu không có nỗ lực chung, các nước như Iraq và Nigeria sẽ "phát nổ", khiến dịch bệnh và cả khủng bố tràn sang các nước khác. Nếu các nước giàu có nhất chia sẻ nguồn lực tài chính và thông tin, chúng ta sẽ có phương pháp điều trị và vaccine sớm hơn. Và khi đến lúc mở cửa nền kinh tế trở lại, sự hợp tác sẽ giúp kinh tế toàn cầu hồi phục nhanh hơn.
Đại dịch là vấn đề mang tính toàn cầu, nhưng không may mắn là những phản ứng đáp lại đang ngày càng trở nên cục bộ hơn.
Tham khảo Washington Post