Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn ICE Europe – London , giá cà phê Robusta đảo chiều bật tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 59 USD, lên 1.815 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 55 USD, lên 1.797 USD/tấn, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo nới rộng thêm khoảng cách.
Tương tự, trên sàn ICE US – New York , giá cà phê Arabica kéo dài chuỗi tăng lên phiên thứ tư. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 2 cent, lên 124,8 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 2,05 cent, lên 127 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 1.000 đồng, dao động trong khung 37.500 – 37.900 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.690 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi dãn ra 120 – 125 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London .
Kết thúc Hội nghị Thường niên lần thứ 121 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (International Coffee Organization – ICO) tại Mexico City đã ghi nhận sự than phiền của nhiều quốc gia sản xuất do giá cả ở mức thấp kéo dài khiến nông đân nhiều nước thua lỗ, dẫn đến sự lơ là trong việc chăm bón, đầu tư và do đó, nguy cơ năng suất vụ sau sụt giảm là điều khó tránh khỏi. Vấn đề là một khi năng suất sụt giảm thì hệ lụy không chỉ xảy ra cho vụ tới mà còn kéo dài qua các vụ kế tiếp. ICO cũng dự kiến tăng trưởng tiêu thụ toàn cầu ở mức 3 triệu bao mỗi năm trong khi sản lượng tăng vẫn chưa tương xứng.
Giá cà phê vẫn duy trì trạng thái ì ạch kéo dài do nhà đầu tư vẫn e ngại việc Fed sẽ tăng lãi suất USD có thể nhiều lần hơn mức dự kiến.
Trong khi đó, việc người dân Anh đang đòi hỏi trưng cầu Brexit lần thứ 2 do có quá nhiều vẫn đề nảy sinh đã đẩy thị trường tài chính lớn nhất châu Âu này vào thế bất lợi khi rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), mặc dù bà Thủ tướng Theresa May đang dồn mọi nỗ lực vào Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels giữa tháng Sáu sắp tới.
Bên cạnh còn là cuộc gặp Liên Triều và những kỳ vọng tiếp theo đã giúp thị trường toàn cầu đón nhận luồng gió mới tuy vẫn còn đó mối lo ở khu vực Trung Đông và việc Tổng thống D.Trump chưa thực thi thuế chống phá giá nhôm và thép cũng như nhà đầu tư chuyển vốn tìm nơi trú ấn do lo ngại thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm cũng là cơ hội để các sàn hàng hóa trong đó có cà phê kỳ hạn đón nhận dòng vốn đầu cơ chảy về.
Báo cáo Cam kết của Thương nhân (CFTC) từ sàn Robusta London cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 24/04, vị thế bán ròng của đầu cơ ngắn hạn đã giảm bớt 21,8% xuống còn 14.328 lô (tương đương 2.388.000 bao) và có nhiều khả năng đã thay đổi nhẹ sau những phiên giao dịch có phần tích cực hơn kể từ ngày báo cáo tới nay.
Báo cáo Cam kết của Thương nhân (CFTC) từ sàn Arabica New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 24/04, vị thế bán ròng của đầu cơ ngắn hạn đã giảm bớt 16,21% xuống còn 59.134 lô (tương đương 16.764.227 bao) và có khả năng đã giảm thêm nữa sau những phiên giao dịch tích cực liên tiếp vừa qua.
Theo báo cáo hàng tháng của Bộ Nông nghiệp & PTNT Việt Nam, xuất khẩu cà phê tháng 4 năm 2018 ước đạt 162 nghìn tấn với giá trị đạt 307 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 691 nghìn tấn và 1,3 tỷ USD, tăng 18,1% về khối lượng và tăng 0,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2018 đạt 9 1.943 USD/tấn, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2017.