UBND huyện Đông Anh cho biết, tính đến giữa tháng 11 năm nay, địa phương này đã tổ chức thành công 21 phiên đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích hơn 36.401 m2 (tương ứng 324 thửa), thu về cho ngân sách Nhà nước của huyện gần 1.800 tỷ đồng.
Đông Anh đang là địa phương dẫn đầu TP Hà Nội về số thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất.
Sau lùm xùm, huyện Đông Anh (Hà Nội) vẫn thu 1.800 tỷ từ đấu giá đất. Ảnh: Khu đất gần 5 ha ở thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương khiến Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Y Dược Vimedimex và nhiều cán bộ bị bắt hồi cuối năm 2021.
Thời gian qua, Đông Anh liên tiếp tổ chức đấu giá thành công các cuộc đấu giá. Theo đó, ngày 19/11, UBND huyện Đông Anh tổ chức đấu giá thành công ô "đất vàng" ký hiệu X7 Uy Nỗ, được chia thành 27 thửa đất có diện tích từ hơn 100m2 đến hơn 200m2, thu về hơn 400 tỷ đồng cho ngân sách. Mức trúng đấu giá cao nhất là hơn 168 triệu đồng/m2, còn giá trúng bình quân là 120 triệu đồng/m2.
Ô đất X7 trên có vị trí nằm ngay trung tâm hành chính của huyện Đông Anh đã và đang được huyện đầu tư hoàn thiện các hạ tầng xã hội theo quy hoạch, hướng tới việc chuyển từ huyện thành quận vào năm 2023.
Cũng tại huyện Đông Anh, trước đó khu đất X2 thôn Mai Châu, xã Đại Mạch được đưa ra đấu giá với tổng diện tích là 390m2. Giá khởi điểm từ 47 đến 53,8 triệu đồng/m2. Theo đó, thửa đất trúng đấu giá cao nhất với giá 106,9 triệu đồng/m2. Thửa đất có giá trúng thấp nhất là 97,4 triệu đồng/m2.
Hồi tháng 7, huyện Đông Anh tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại điểm X4 thôn Đoài, xã Kim Nỗ với 18 thửa đất với diện tích 1.438,1m2. Giá khởi điểm thấp nhất từ 40,8 triệu đồng/m2, cao nhất là 55,1 triệu đồng/m2 tùy theo diện tích và vị trí. Kết quả có 18 khách hàng trúng đấu giá, với giá trúng đấu giá cao nhất là 105,2 triệu đồng/m2, giá trúng đấu giá thấp nhất là 46,8 triệu đồng/m2. Sau đấu giá, tổng số tiền thu về gần 100 tỷ đồng.
Theo UBND huyện Đông Anh, nguồn ngân sách thu được từ các phiên đấu giá đất sẽ cơ bản được huyện đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội phục vụ đời sống nhân dân.
Riêng trong năm 2023, huyện đã được TP Hà Nội giao thực hiện nhiều dự án đầu tư công liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, như: Dự án cải tạo khu di tích Cổ Loa; Xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền; dự án xây dựng trường học liên cấp được thiết kế hiện đại, quy mô..., với tổng mức dự toán trên 1.000 tỷ đồng.