Phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư: “Sức hút từ hệ sinh thái hàng không – nghỉ dưỡng – golf – bất động sản duy nhất tại Việt Nam”, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết, năm 2020, đại dịch diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.
"Đây cũng là thời điểm Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ đầu tư khi lần đầu tiên nằm trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về thu hút FDI. Nguồn vốn này tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục trên 9%, đạt hơn 31 tỷ USD trong 2021", ông Quyết cho biết.
Cũng theo Chủ tịch FLC, với tỷ lệ bao phủ vaccine trong top đầu thế giới, tiến trình mở cửa giao thương và du lịch của Việt Nam cũng đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn lĩnh vực hàng không từ ngày 15/2 và mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3.
Chủ tịch Tập đoàn FLC cho rằng, những yếu tố này đang trở thành lực đẩy mạnh mẽ để Việt Nam đón đầu sự dịch chuyển của làn sóng đầu tư, đặc biệt từ châu Âu nói chung và CHLB Đức nói riêng. Với hơn 200 nghìn Việt kiều, sau dịch bệnh Đức là thị trường tiềm năng để thu hút doanh nghiệp đến với Việt Nam.
"Từ những nghiên cứu kỹ lưỡng của Tập đoàn FLC, chúng tôi nhận thấy thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị cho một thời kỳ bùng nổ, mở ra những cơ hội đầu tư lớn cho nhiều lĩnh vực có dư địa tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch, như bất động sản nghỉ dưỡng, hàng không, hay dịch vụ du lịch – golf…", ông Quyết nói.
Người đứng đầu Tập đoàn FLC khẳng định: "Với kinh nghiệm đã đầu tư tại 58/63 tỉnh thành, kinh nghiệm của chúng tôi có thể giúp các bạn, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Đức biết đến thị trường 100 triệu dân của Việt Nam, sức hấp dẫn hàng đầu ASEAN". Ông Quyết cho biết thêm cá nhân ông sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn để các doanh nghiệp đến đầu tư ở Việt Nam, đầu tư bất cứ lĩnh vực nào.
Tại diễn đàn, Lãnh đạo FLC cũng tiết lộ để tăng cường đầu tư vào Đức cũng như làm cầu nối cho các doanh nghiệp Đức sang Việt Nam đầu tư, FLC có kế hoạch xây tòa nhà cao tầng Frankfrut, tăng cường giới thiệu các dự án của FLC đến với các nhà đầu tư Đức. Chủ tịch FLC cũng khẳng định việc xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nghỉ dưỡng, cần sự chủ động của các doanh nghiệp lữ hành, du lịch, hàng không.
Được biết, từ ngày 25/2, Bamboo Airways đã chính thức khai trương đường bay thẳng kết nối Hà Nội – Frankfurt từ ngày 25/2. Sân bay quốc tế tại Frankfurt cũng là một trong những sân bay lớn nhất thế giới. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, sân bay này đón khoảng 20 triệu lượt khách mỗi ngày. Đây là điểm trung chuyển quan trọng trong giao thông hàng không của Đức nói riêng và châu Âu nói chung. Sắp tới Bamboo cho biết sẽ mở tiếp đường bay tới Berlin và Munich.
Ông Đặng Tất Thắng - Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, Tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways cho rằng, tính đến năm 2022, Tập đoàn FLC có hơn 250 dự án, quỹ đất gần 120 nghìn ha. Đặc biệt, năm 2022 sẽ là năm đánh dấu sự hiện diện của Tập đoàn FLC tại tất cả 63 tỉnh, thành tại Việt Nam.
Bamboo Airways và Tập đoàn FLC muốn hợp tác với các doanh nghiệp Đức trên 5 lĩnh vực, gồm: M&A bất động sản; Quản lý và thiết kế dự án; Phân phối bất động sản; Tìm kiếm khách hàng; Đại lý du lịch.
"Với việc mở các đường bay tới Đức, chúng tôi mong muốn hợp tác với các đại lý du lịch để phân phối các sản phẩm du lịch độc đáo của FLC và BB tới khách hàng tại Đức và châu Âu"
Năm 2020, Việt Nam và CHLB Đức kỷ niệm 45 năm ngày thành lập quan hệ ngoại giao và năm 2021 đánh dấu một thập kỷ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước (2011 - 2021). Trải qua nhiều biến động lịch sử, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức trong hơn bốn thập kỷ không ngừng phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên mọi lĩnh vực.
Trong đó, hợp tác kinh tế đã trở thành trụ cột quan trọng hàng đầu khi Đức là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), và Việt Nam cũng vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại khu vực Đông Nam Á.
Kim ngạch thương mại hai nước kể từ năm 2010 đến nay đã tăng gấp đôi, đạt trên 10 tỷ USD với mức tăng trung bình trên 10%/năm. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đi vào triển khai, hứa hẹn sẽ tạo ra những cơ hội to lớn cho doanh nghiệp hai nước về trao đổi thương mại và đầu tư.
Hiện có hơn 350 doanh nghiệp lớn của Đức đang đầu tư, kinh doanh thành công ở Việt Nam và còn nhiều nhà đầu tư tiềm năng khác đang có kế hoạch mở rộng đầu tư lâu dài, nhất là đối với các lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên phát triển như công nghệ chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo, du lịch dịch vụ...
Ông Đặng Chung Thuỷ, Đại biện Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức