Ghi nhận ý kiến từ nhiều công ty đang đầu tư dự án nghỉ dưỡng tại Bình Thuận, được biết, trong nhiều năm qua, từ các nguồn vốn Trung ương, địa phương tập trung đầu tư đã hoàn thiện nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Giao thông đã liên kết với nhiều tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây nguyên, Nam Trung bộ.
Đó là các tuyến giao thông trọng điểm: quốc lộ (QL) 1A dài gần 200 km qua địa bàn tỉnh, tuyến QL 55 nối Bà Rịa – Vũng Tàu - Hàm Tân - Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc – QL 20 - Lâm Đồng; đường ĐT 720 - ĐT 766 qua Hàm Tân - Tánh Linh - Đức Linh ra QL 1A, QL 20. Tuyến đường ven biển khép kín chiều dài của tỉnh, với các tuyến rộng rãi như Hòa Thắng - Hòa Phú, ĐT.706B (Võ Nguyên Giáp).
Qua khảo sát các huyện, thị xã, thành phố, hạ tầng giao thông kết nối đã góp phần đưa giá đất nhiều nơi tăng lên trong chuyển nhượng trên thị trường, tạo nên các đợt sốt đất ảo. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc bằng những biện pháp điều tiết, giám sát và chặn đứng những giao dịch sai phép, nhưng thị trường BĐS Bình Thuận vẫn còn khá "nóng". Trong đó, một số khu vực xung quanh vùng sẽ xây dựng sân bay Phan Thiết, Kê Gà và La Gi có mức giá đất tăng khá mạnh.
Theo đó, sau khi có thông tin xã Thiện Nghiệp có dự án sân bay, cách đây khoảng một năm giá đất tại đây tăng chóng mặt, không ít người mua trở tay không kịp vì mỗi ngày một giá. Sau khi cơn sốt này hạ nhiệt thì hiện nay đất dọc khu quy hoạch sân bay tại Thiện Nghiệp tiếp tục nóng lên từng ngày, thậm chí từng giờ, tạo cơn sốt đất"ảo".
Một sào đất nông nghiệp trước kia chỉ có giá khoảng 200 triệu đồng, đã tăng lên hơn 2-4 tỷ đồng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Riêng trong 3 tháng trở lại đây, giá đất tại Thiện Nghiệp dọc tuyến đường hướng vào khu quy hoạch sân bay Phan Thiết vẫn âm thầm thay đổi từng ngày. Được biết, mỗi sào đất có mặt tiền đường ĐT 715 từ 200 triệu trước khi có dự án sân bay thì nay được môi giới chào bán với giá 4-5,5 tỷ đồng, những lô đất mặt tiền đường lớn còn được chào giá hơn 10 tỷ đồng.
Thời gian gần đây, thị trường BĐS khu vực thị xã La Gi và dọc tuyến đường biển Kê Gà đang phát triển mạnh, thu hút mạnh giới đầu tư, kèm theo đó giá BĐS tăng cao và nhiều điểm môi giới nhà đất ăn theo ra đời khiến thị trường này càng thêm hấp dẫn. Song song đó, nhiều khách hàng cũng chuyển dòng tiền vào nhà đất một số khu vực có tiềm năng vì muốn "ăn theo" các dự án quy mô lớn đang rục rịch triển khai xây dựng tại La Gi.
Một số dự án đất nền khác đã được chủ đầu tư bán ra thị trường trước đây với mức giá khoảng 6-8 triệu đồng/m2 thì nay được giao dịch trên thị trường thứ cấp với giá 20-30 triệu đồng/m2… Thậm chí, nhiều cò chỉ tay vào một sô lô đất vẫn đang còn trồng cây thanh long dọc bờ biển Hòn Lan và "hét" giá đến hơn 40 triệu đồng/m2. Để thuyết phục được các khách hàng, cò cũng không quên kèm theo câu "nếu không xuống tiền mua ngay bây giờ thì vài ngày sau giá còn lên cao lắm!".
Khảo sát tại đường tuyến đường ĐT719 (Kê Gà), được biết hầu như đất trong dân nằm ngay mặt tiền biển hầu như nằm trong diện quy hoạch để phát triển hàng loạt dự án nghỉ dưỡng lớn. Nhiều lô đất nằm trên sườn đồi, cạnh một số dự án lớn của Novaland, TTC Land hay Việt Úc giá đang tăng chóng mặt, khoảng 45-60 triệu/m2 nhưng đều mua lại từ nhiều đời chủ.
Một số sàn môi giới nhà đất tại Bình Thuận cho biết giá đất các vùng ven biển chắc chắn không có dấu hiệu hạ nhiệt, bởi tỉnh đang trở thành tâm điểm của giới đầu tư trong và ngoài nước. "Ngoài mạng lưới hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh, trong đó phải kể đến cú hích từ dự án sân bay Phan Thiết, thì giá đất sẽ dễ dàng tăng cao.
Trong suốt năm 2019, hầu hết đất trong dân đang nằm trong tay các sàn môi giới với một mức giá cao, do đó mà mức bán ra trong thời gian tới chỉ có tăng", ông Phùng Bá Cường, phó giám đốc công ty Nhà đất PDG, cho biết. Cũng theo vị này, chính vì giá đất tăng nên ngày càng có nhiều nhà môi giới vào cuộc. Trong 10 ngày, thậm chí một tháng, chỉ cần môi giới thành công một giao dịch thì “cò” có thu nhập rất khá bởi chi phí bỏ ra không bao nhiêu nhưng hoa hồng khá cao.
Song song đó, các cò đất còn cho biết thêm hiện Bình Thuận đang xây dựng bảng giá đất cho giai đoạn 5 năm tới, cho thấy giá đất nhiều vùng trên địa bàn có biến động tăng.
Theo Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bình Thuận, qua điều tra, khảo sát, nhìn chung, giá đất dự kiến áp dụng 5 năm (2020 - 2024), đa số vị trí, loại đất có biến động tăng nhiều; giá đất thị trường (đất nông nghiệp, đất ở) so với bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND, Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND có biến động tăng, tập trung chủ yếu ở các thị trấn, thị xã, khu dân cư mới hình thành, tuyến đường mới được đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh trong đô thị ở huyện, thị xã. Bởi kết cấu hạ tầng đã được nâng cấp, đầu tư tốt hơn; giá chuyển nhượng trên thị trường biến động tăng…
Do vậy, việc xây dựng bảng giá các loại đất của huyện, thị xã và thẩm định Tổ công tác xây dựng bảng giá các loại đất của tỉnh đề xuất theo nguyên tắc bình quân từ 60 - 90% giá thị trường phổ biến.
Cụ thể, đất nông nghiệp, các huyện, thị xã đề nghị tăng giá từ 71 - 500% đất lúa, cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, đất cây lâu năm (bình quân khoảng 60 - 90% giá thị trường phổ biến). Đối với các vị trí đất, Tuy Phong đề nghị tăng giá từ 120 - 217%; Bắc Bình tăng 120 - 140%; Hàm Thuận Bắc tăng 71 - 181%; Hàm Thuận Nam tăng 214 - 252%; Hàm Tân tăng 230 - 340%; Đức Linh tăng 165 - 245%; Tánh Linh tăng 190 - 269%; Phú Quý tăng 129 - 500%; thị xã La Gi tăng từ 140 - 233% so với Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND tỉnh trước đây.
Với đất lâm nghiệp, các huyện, thị xã, đơn vị tư vấn thống nhất lấy theo giá đất Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND nhân với hệ số K năm 2019 để đề xuất giá đất 5 năm 2020 - 2024. Đất làm muối, Hàm Thuận Nam điều chỉnh tăng 393% đối với vị trí 1, tăng từ 172 - 175% vị trí 2 và 3; Tuy Phong điều chỉnh tăng 106 - 220% so với Quyết định số 59/2014QĐ-UBND.
Tương tự, đất ở nông thôn khu vực 1, huyện Tuy Phong đề nghị tăng giá các vị trí từ 233 - 372%; Bắc Bình tăng giá từ 140 - 500%; Hàm Thuận Bắc tăng giá 57 - 233%; Hàm Thuận Nam tăng giá 207 - 388%; Hàm Tân tăng giá 140 -310%; Đức Linh tăng giá 206 - 281%; Tánh Linh tăng giá 286 - 433%; Phú Quý tăng giá 10,26 lần đến 15,38 lần; thị xã La Gi tăng giá 196 - 389% so với Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND, Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND (bình quân từ 60 - 90% giá thị trường phổ biến)
Được biết, Bình Thuận đang xây dựng kế hoạch đón 13 triệu lượt khách trong năm 2025 (trong đó khách quốc tế là 2,4 triệu) và đến năm 2030 là 22 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế là 5,5 triệu). Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận được Tập đoàn tư vấn McKinsey & Company xây dựng, cũng đề xuất 18 sáng kiến then chốt mà tỉnh cần triển khai thực hiện như: Hạ tầng và điều kiện hỗ trợ; bảo vệ môi trường; quảng bá hình ảnh du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng như một cuộc thi lướt ván diều, các hoạt động thám hiểm đồi cát, một khu phức hợp thể thao đa năng…
Sau khi Đề án này được thông qua, cùng với Quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né được Chính phủ phê duyệt trước đó, tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung đi vào triển khai thực hiện; đồng thời, tăng cường đầu tư hạ tầng và kêu gọi các nhà đầu tư tầm cỡ để đầu tư các dự án lớn, các khu du lịch 5 sao; đặc biệt, tỉnh sẽ chú trọng vào phát triển du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia. Các chuyên gia khẳng định rằng, trên những cơ sở này, thị trường BĐS nghỉ dưỡng trong giai đoạn tới sẽ rất nóng, kéo theo giá đất sẽ thiết lập ở một mức mới.