"Nếu tôi chết vào tối nay, ngày mai chắc chắn cổ phiếu sẽ tăng".
Warren Buffett đã nói như vậy trong lần điều khiển cuộc họp đại hội đồng cổ đông hàng năm của tập đoàn Berkshire Hathaway tại Omaha vào tháng 5. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, ông đã biến Berkshire Hathaway trở thành một đế chế đầu tư khổng lồ không giống những tập đoàn thông thường. Berkshire sở hữu Geico, BNSF, Fruit of the Loom, Dairy Queen, Duracell và hàng loạt công ty khác cùng với đó là hàng tỷ USD cổ phần tại những tập đoàn khổng lồ gồm cả Apple và Coca Cola.
Sợi keo gắn kết tất cả các khoản đầu tư đó dưới chung mái nhà Berkshire chính là Warren Buffett – ông đã thuyết phục được hoàn toàn rằng phương thức và hướng đi của mình là đúng đắn. Mức lợi nhuận mà ông mang về cho các cổ đông lớn hơn gấp nhiều lần so với trung bình thị trường: Nếu như bỏ ra 100 USD mua cổ phiếu Berkshire Hathaway vào năm 1964, giá trị đó hiện nay trị giá 2 triệu USD.
Trong một cuộc họp đại hội đồng cổ đông hàng năm, Buffett nói rằng cũng sẽ đến lúc ông không còn nữa và dự đoán về một vài sự chia tách. Tuy nhiên, điều đó chưa bao giờ xảy ra, ít nhất là trong lúc Warren Buffett vẫn đang điều hành Berkshire Hathaway.
Tuy nhiên, để các nhà đầu tư, cổ đông, nhân viên dần quen với việc không có mình, thời gian gần đây Warren Buffett đã dần rút lui khỏi một số công việc. Ông cũng tuyên bố rằng sau này khi chết, toàn bộ cổ phần của ông tại công ty sẽ được chuyển cho quỹ từ thiện đang được điều hành bởi các thành viên trong gia đình ông - những người hiểu rõ nhất mong muốn, ước nguyện của ông. Dẫu vậy, vẫn còn một bí ẩn nữa chưa được Buffett hé lộ, đó là về danh tính người mà ông nhắm tới để trao ngôi vị CEO Berkshire Hathaway.
Nhiều người cho rằng danh tính người kế nhiệm Warren Buffett ở vị trí CEO của Berkshire là một trong những bí mật được giữ kín nhất giới kinh doanh trong suốt nhiều thập kỷ. Trong tất cả những năm điều phối phần hỏi đáp tại đại hội đồng cổ đông của công ty, Buffett thừa nhận rằng hội đồng đã chọn lựa người thay thế mình nhưng ông chưa bao giờ tiết lộ danh tính tên người đó.
Lý do không tiết lộ tên người kế nhiệm có thể là bởi nếu làm như vậy, sự nổi tiếng của Warren Buffett sẽ không còn nữa. Bản thân "huyền thoại Omaha" dù đã 87 tuổi những vẫn thích nhận được chú ý. Tại các cuộc họp hàng năm, hình ảnh Warren Buffett được in trên các lon Coke, giày... Khi ông bước tới sảnh tòa nhà Berkshire, các fan hâm mộ đuổi theo ông và xin chụp hình tự sướng.
Giữ kín danh tính người kế nhiệm cũng giúp hội đồng quản trị linh động hơn. Hoàn cảnh có thể thay đổi và có lẽ một khoảng thời gian dài sẽ giúp hội đồng quản trị của Berkshire cân nhắc được lựa chọn đúng đắn nhất.
Mọi người đã cố gắng đoán người kế nghiệp Buffett từ nhiều thập kỷ nhưng đây luôn là một bài toán khó: Ông chưa bao giờ đả động tới việc nghỉ hưu, sức khỏe của ông vẫn tốt và quyền lực tại công ty vẫn chắc chắn. Trong một khoảng thời gian dài, những ứng viên tiềm năng cứ đến rồi lại đi.
Trong năm 2000, tờ Wall Steeet Joural đã nói về Richard Santulli – chủ tịch mảng NetJet của Berkshire là một trong những ứng viên tiềm năng. Nhưng ông này đã ra đi để khởi nghiệp vào năm 2009. Trong năm 2008, tờ Barron đã dự báo về Daved Sokol – chủ tịch mảng năng lượng của Berkshire sẽ chiếm vị trí này nhưng Sokol cũng đã từ chức 3 năm sau đó.
Dù chưa một lần tiết lộ danh tính người kế nhiệm mình nhưng trong bức thư gửi các cổ đông vào năm 2015, Warren Buffett có chia sẻ về phẩm chất cần có của người kế nghiệp mình: Hội đồng quản trị công ty mong muốn người kế nhiệm là người đang giữ cương vị lãnh đạo một bộ phận nào đó của công ty và "tương đối trẻ để có thể gắn bó lâu dài với công việc".
Bufett đề xuất rằng các CEO trong tương lai của Berkshire nên tại nhiệm ít nhất trong 1 thập kỷ và cần phải "lý trí, bình tĩnh, quyết đoán". Ông cũng lưu ý rằng, những người sẽ ngồi vào vị trí của ông hiện tại nên có một lập trường vững chắc trong mọi hoàn cảnh, không bị tác động bởi cái tôi hay một khoản tiền thưởng lớn và nên đặt toàn bộ tâm sức của mình vào Berkshire.
Dĩ nhiên trong những phẩm chất đó không thể thiếu khả năng "chọn lựa cổ phiếu". Và để hỗ trợ CEO kế nhiệm, những năm gần đây Buffett đã thuê 2 nhà quản lý quỹ là Todd Combs và Ted Weschler để chịu trách nhiệm về 20 tỷ USD trong danh mục đầu tư cổ phiếu của Berkshire và giám sát toàn bộ danh mục đầu tư của Tập đoàn sau khi ông rời đi. Ngoài ra, Todd Combs và Ted Weschler cũng sẽ giúp tính toán các thương vụ của tập đoàn.
CEO kế nhiệm Buffett sẽ không kiêm vị trí chủ tịch. Vị trí này được giao cho con trai cả của Buffett là Howard, người hiện cũng nằm trong hội đồng quản trị công ty. Nhiệm vụ chính của Howard là bảo vệ nền văn hóa của công ty và sa thải bất kỳ CEO nào làm đảo lộn trật tự đó.
Cùng thời điểm khi thông tin trên được công bố, Berkshire đã công bố lá thư riêng từ Phó chủ tịch Charles Munger. Trong đó, Munger đã gọi 2 giám đốc Ajit Jain và Greg Abel là ví dụ về những nhà quản lý "hàng đầu thế giới" - những người mà ở mặt nào đó còn xuất sắc hơn cả ông chủ của mình.
Dù Buffett phủ nhận rằng không ai trong số 2 giám đốc kể trên đang trong "cuộc đua tìm người kế nhiệm" và cả Jain lẫn Abel đều từ chối bình luận về vấn đề này. Nhưng, việc suy luận từ lá thư của Munger cho thấy, "ghế nóng" dường như đã có chủ.
Có thể thấy, cả Jain và Abel đều phù hợp với các tiêu chí mà Warren Buffett đưa ra. Họ đều gắn kết sâu sắc với văn hóa của Berkshire, có cách đánh giá hiệu quả và tầm nhìn dài hạn. Đặc biệt, mỗi người đều đã xây dựng những doanh nghiệp lớn cho Buffett.
Ajit Jain điều hành mảng tái bảo hiểm của công ty. Trong nhiều thập kỷ, Jain đã giúp cho Berkshire luân chuyển hàng tỷ USD cho các khoản đầu tư và mua lại. Bản thân Buffett đã nhiều lần thừa nhận rằng, Jain là người có thể kiếm được nhiều tiền cho các cổ đông hơn cả mình. Trong năm 2011, Buffett còn cho biết, hội đồng quản trị sẽ để Jain giữ chức CEO nếu ông ấy muốn.
Còn Greg Abel là người đứng đầu mảng năng lượng của Berkshire - Berkshire Hathaway Energy. Ông là người góp phần đưa bộ phận năng lượng của Berkshire trở thành một trong những nhà cung cấp điện lớn nhất nước Mỹ và hiện có 11,5 triệu khách hàng trên khắp thế giới. Theo Wall Street Journal, Berkshire Hathaway Energy đang đóng góp 10% lợi nhuận của Berkshire. Hồi tháng 5, Buffett từng nhận định, mảng kinh doanh này chỉ có thể ngày càng lớn hơn và "thật khó để tưởng tượng một cơ chế vận hành tốt hơn hiện tại".
Điểm khác biệt đáng kể nhất giữa Ajit Jain và Greg Abel là tuổi tác: Jain đã 66 tuổi, còn Abel 55 tuổi. Mặc dù Buffett là bằng chứng cho thấy một CEO vẫn có thể làm tốt việc của mình khi đã qua tuổi nghỉ hưu, song nếu so sánh 2 ứng cử viên hiện tại, rõ ràng Jain sẽ gặp bất lợi hơn Abel. Thực tế là Jain cũng đang phải đối mặt với một số vấn đề về sức khỏe và điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới công việc của ông. Còn các chuyên gia phân tích và một số nhà đầu tư thì cho biết, Jain không thích thú lắm với vị trí CEO Berkshire Hathaway. Cuối cùng, Jain đang lãnh đạo mảng bảo hiểm – có phần ít quan trọng hơn các lĩnh vực khác trong toàn tập đoàn.
Chính vì lẽ đó, mọi con mắt đổ dần vào Abel. Sarah DeWitt – chuyên gia phân tích của JPMorgan Chase & Co., cho rằng, nhiều khả năng Abel sẽ là người kế nhiệm Buffett. Cô cho rằng, Jain cũng có cơ hội, song "tuổi tác có thể sẽ cản bước ông ấy".
Abel - CEO mảng năng lượng của Berkshire
Công ty mà Abel điều hành ban đầu có tên là MidAmerica Energy Holdings. Với những thành tựu đạt được, năm 2008, Abel trở thành CEO của MidAmerica và đến năm 2014 nó chính thức được đổi tên thành Berkshire Hathaway Energy - cho thấy sự gắn bó chặt chẽ của mảng kinh doanh này với Buffett. Nhiều người nói rằng Abel giống như một Warren Buffett thu nhỏ trong thế giới của riêng ông. Riêng Bershire Hathaway Energy điều hành khoảng 20.000 nhân viên nhưng trụ sở chính chỉ có 20 người. Điều này giúp giảm chi phí tối đa - hoàn toàn phù hợp với tiêu chí và phong cách của Warren Buffett. Ngoài Energy, Abel còn kiêm nhiệm nhiều trọng trách khác, ở những lĩnh vực khác gồm giám đốc Kraft Heinz, giám sát hoạt động bất động sản của Berkshire...
Không giống như Warren Buffett, Able khá kín tiếng và ông âm thầm hưởng thụ cuộc sống triệu phú của mình. Bất kỳ câu hỏi nào về tiềm năng kế nghiệp Buffett Abel đều từ tối. Nhưng điều đó dường như chẳng còn là vấn đề nữa.
Nhưng nhìn chung, dù là ai kế nhiệm Warren Buffett đi chăng nữa thì có một điều chắc chắn rằng đây sẽ là một thử thách cực kỳ to lớn. Bản thân Buffet từng nói rằng, với kích thước và khối tài sản khổng lồ, Berkshire "cần một người phân bổ nguồn vốn hợp lý" làm lãnh đạo và "phân bổ vốn thậm chí nên là tài năng chính của người đó".
Ngoài ra, nhiệm vụ của vị CEO mới không chỉ là bảo vệ di sản mà Warren Buffett để lại mà còn phải điều hành tốt một trong những tập đoàn hùng mạnh nhất trên thế giới.