Công ty Cổ phần Đầu tư ICapital (mã: PTC) đã từ bỏ lĩnh vực kinh doanh chính là xây lắp chuyển sang đầu tư chứng khoán ngắn và dài hạn, cổ phiếu đã rớt 29,4% từ đỉnh sau khi tăng giá 600% trong vòng 4 tháng.
Cổ phiếu PTC giảm mạnh từ đỉnh, đánh cược vào cổ phiếu HPG và TCB, điện gió
ICapital có tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện được thành lập từ năm 1976 hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng, xây lắp. Tuy nhiên, gần đây công ty đã "thay da đổi thịt" nhờ hoạt động đầu tư tài chính gồm đầu tư cổ phiếu ngắn và dài hạn. Lợi nhuận của ICapital tăng mạnh nhờ đầu tư chứng khoán.
Cụ thể, năm 2021, ICapital không có doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ. Trong khi đó lợi nhuận tài chính đạt 75,3 tỷ đồng. Không còn ngành xây lắp, lợi nhuận chính của ICapital đạt 5,7 tỷ đồng. Trước đó, năm 2020 doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp cũng chỉ 172 triệu đồng nhưng lợi nhuận tài chính vượt lên 82,1 tỷ đồng khiến công ty lãi sau thuế 58,3 tỷ đồng. Năm 2019, doanh nghiệp cũng lãi tới 62 tỷ đồng.
Kể từ khi đầu tư chứng khoán, lợi nhuận của ICapital đã tăng rất mạnh, xoá được lỗ luỹ kế trước đó.
Tại ngày 31/12/2021, ICapital có tổng tài sản 557 tỷ đồng, tăng 83% so với năm trước đó. Trong đó, công ty có khoảng 79 tỷ đồng tiền mặt, chủ yếu trong số đó là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn (65,5 tỷ đồng).
Năm qua, ICapital đã thanh lý nhiều khoản đầu tư vào Công ty Halcom Việt Nam (HID) bán 234.800 cổ phiếu lãi gần 100 triệu đồng, Tổng công ty Đầu tư phát triển xây dựng (DIG) với 623.640 cổ phiếu lãi gần 6 tỷ đồng, bán 5,66 triệu cổ phần CEO với lãi 17 tỷ đồng.
Sau khi chốt lời các mã cổ phiếu tăng nóng năm qua, công ty đã mua mới nhiều mã cổ phiếu. Hai khoản đầu tư lớn nhất là Tập đoàn Hoà Phát (HPG) với 750.000 cổ phiếu, Techcombank với 600.000 cổ phiếu. Tại thời điểm 31/12/2021, danh mục đầu tư của công ty đang là 71,6 tỷ đồng (giá gốc) và giá thị trường là 66,7 tỷ đồng, tạm lỗ 4,9 tỷ đồng.
Danh mục đầu tư cổ phiếu của ICapital thời điểm 31/12/2021
Về phía cổ phiếu PTC của ICapital, sau khi tăng 7 lần từ vùng 11.x lên mức 83.000 đồng/cổ phiếu, tăng 600% chỉ trong vòng 4 tháng, PTC đã tạo đỉnh tại đây. Con sóng kéo dài 4 tháng của PTC đã kết thúc với những phiên giảm sàn liên tiếp gần đây.
Phiên giao dịch 17/3, PTC đã nằm sàn với lượng dư bán sàn đáng kể, cổ phiếu rơi về mức 58.600 đồng/cổ phiếu. Chỉ trong vòng hơn một tuần, cổ phiếu PTC đã rớt giá hơn 24.000 đồng, tương ứng 29,4% so với đỉnh. Vốn hoá doanh nghiệp đạt 1.126 tỷ đồng. PTC đã có 3 phiên giảm sàn ngày 9/3, 11/3 và 14/3, một phiên giảm mạnh trên 6,8% ngày 8/3.
PTC nằm sàn liên tiếp nhiều phiên sau khi tạo đỉnh 83.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 3
Từ bỏ ngành nghề kinh doanh chính xây lắp sang đầu tư chứng khoán là chủ đạo
Trong một văn bản giải trình lên Uỷ ban Chứng khoán mới đây liên quan đến ý kiến kiểm toán, Ban lãnh đạo của doanh nghiệp cho biết do hoạt động xây lắp trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn với rủi ro cao, Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo công ty đã định hướng chuyển dần trọng tâm hoạt động của doanh nghiệp sang đầu tư tài chính ngắn hạn trong quá trình tìm kiếm các cơ hội đầu tư dài hạn.
Theo đó, trong các đại hội hội cổ đông thường niên từ năm 2018 đến 2022 các báo cáo của tổng giám đốc và Báo cáo của Hội đồng quản trị đều được Đại hội đồng cổ đông thông qua với việc tái cấu trúc doanh nghiệp, chuyển hướng từ xây lắp, xây dựng sang lĩnh vực đầu tư tài chính.
Ban lãnh đạo PTC cho hay, từ khi chuyển hướng từ xây lắp sang lĩnh vực đầu tư tài chính đã đạt được những kết quả khả quan và tăng trưởng ổn định, lợi nhuận cao, bù đắp được hết lỗ luỹ kế, kết quả đầu tư tài chính trong 3 năm 2019 - 2021 đạt kết quả tốt với EPS lần lượt là 3.787 đồng/cổ phiếu, 3.599 đồng/cổ phiếu, 3.525 đồng/cổ phiếu.
Công ty cho biết, định hướng lâu dài PTIC tiếp tục tìm kiếm, nghiên cứu các cổ phiếu có tiềm năng và tăng trưởng nhanh để đầu tư ngắn hạn và dài hạn. Do đầu tư chính chưa có mã ngành riêng nên công ty chưa đăng ký thay đổi ngành nghề kinh doanh chính. Tuy vậy, Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị đã đưa vào trình đại hội đầu tư tài chính là mảng chủ lực của doanh nghiệp.
Theo đó, đại hội cổ đông thường niên năm 2022 đã ra nghị quyết phê duyệt ngành nghề chính của công ty là đầu tư tài chính bao gồm mua bán chứng khoán và đầu tư vào các công ty liên kết, công ty con. Hội đồng quản trị PTIC cho biết sẽ sớm làm thay đổi đăng ký kinh doanh khi có mã ngành riêng.
Ngoài đầu tư các cổ phiếu trên sàn, ICapital còn đầu tư mua cổ phiếu các doanh nghiệp điện gió. Cụ thể, công ty đang có khoảng 333 tỷ đầu tư vào công ty liên doanh liên kết, trong đó có 148 tỷ đồng vào Công ty điện gió Hướng Linh 7 (chiếm 32,8% vốn) và 166 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Điện gió Hướng Linh 8 - chiếm 29% vốn. Sau khi góp vốn Công ty đã thế chấp toàn bộ cổ phần góp vốn cho BIDV Hà Tây, mục đích của khoản vay là thực hiện dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 7 và Hướng Linh 8.
Trong đó, Hướng Linh 8 là chủ đầu tư dự án điện gió cùng tên tại Quảng Trị, với công suất 25MW, vốn đầu tư 888 tỷ đồng, được hưởng ưu đãi giá FIT toàn phần. Năm 2022, Hướng Linh 8 đặt kế hoạch doanh thu 172 tỷ đồng, lãi sau thuế 80 tỷ đồng. Về phần mình, Hướng Linh 7 là chủ dự án điện gió cùng tên cũng tại Quảng Trị, với công suất 30MW, vốn đầu tư dự kiến 1.012 tỷ đồng. Dự án đã COD một phần trước ngày 1/11/2021.
Mới đây ICapital đã thông qua Nghị quyết tăng sở hữu tại Điện gió Hướng Linh 8. Công ty dự kiến mua gần 7,6 triệu cổ phiếu của Điện gió Hướng Linh 8, qua đó tăng tỷ lệ sở hữu lên hơn 50% vốn. Tổng giá trị thương vụ sẽ không vượt quá 112 tỷ đồng và dự kiến diễn ra ngay trong quý 1/2022.
Năm 2022, ICapital đặt mục tiêu doanh thu 127,5 tỷ đồng, lãi trước thuế 96,5 tỷ đồng, tỷ lệ trả cổ tức năm 2022 từ 15-20% trên vốn điều lệ bình quân mới. Khi bỏ ngành nghề kinh doanh chính, giờ đây kết quả kinh doanh của ICapital hoàn toàn phụ thuộc vào các khoản đầu tư chứng khoán ngắn và dài hạn của mình. Và điều tất yếu là đầu tư chứng khoán thì sự ổn định liên tục là rất khó có thể đạt được.
Doanh thu và lợi nhuận của PTC kể từ khi chuyển sang đầu tư tài chính, từ bỏ ngành xây lắp