Ông Trump cũng cáo buộc Trung Quốc "phá hoại những nỗ lực của Mỹ" nhằm gây áp lực buộc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuyên bố này cho thấy cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những căng thẳng địa chính trị trong khu vực.
"Triều Tiên chịu những áp lực to lớn từ Trung Quốc vì cuộc chiến thương mại của chúng ta với Bắc Kinh. Đồng thời, chúng tôi cũng biết Trung Quốc đã viện trợ cho Triều Tiên một khoản đáng kể, bao gồm tiền bạc, nhiên liệu, phân bón và nhiều hàng hóa khác. Điều này chẳng có ích lợi gì", ông Trump cáo buộc.
Tuần trước, Tổng thống Trump cũng đã hủy chuyến công du Triều Tiên của Ngoại trưởng Michael Pompeo đồng thời nhấn mạnh những tiến bộ trong cuộc đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là chưa đủ. Ông Trump cho rằng chuyến công du có thể được mở lại sau khi tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc được giải quyết.
Những tuyên bố của Tổng thống Trump làm sâu sắc hơn các mối quan ngại về tương lai cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc và đe dọa biến nó thành một sự kiện kéo dài hàng thập kỷ như những gì đã xảy ra với Mỹ và Liên Xô trong quá khứ. Những nghi ngờ tiếp tục tăng lên khi Bắc Kinh cho rằng các biện pháp đánh thuế của ông Trump là một phần trong chiến lược rộng lớn nhằm ngăn chặn sự nổi lên của Trung Quốc trong vai trò một cường quốc toàn cầu.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang hơn nữa sau khi phái đoàn đàm phán thương mại của hai nước không đạt được bất cứ tiến bộ gì trong cuộc gặp ở Washington, Mỹ. Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu trị giá 50 tỷ USD với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và đe dọa đánh thuế thêm lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD vào đầu tháng sau. Trung Quốc đáp trả bằng việc đánh thuế tương tự và cam kết sẽ tiến hành các biện pháp đánh thuế tiếp theo.
Mỹ đã dựa nhiều vào Trung Quốc, quốc gia có chung biên giới với Triều Tiên và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của nước này, nhằm thực thi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn trong năm ngoái. Ông Trump cũng khẳng định Trung Quốc chính là con đường để tới Triều Tiên.
Nhiều tháng sau cái bắt tay lịch sử ở Singapore giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Mỹ đã rất cố gắng nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, chính ông Pompeo cũng phải thừa nhận trước Thượng viện Mỹ rằng Triều Tiên đang tiếp tục sản xuất nhiên liệu hạt nhân.
Trong một động thái thiện chí hồi tháng 6, Tổng thống Trump đã ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc với niềm tin Triều Tiên sẽ giải giáp vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, hôm 28/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tuyên bố Washington sẽ không đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung trong bối cảnh Triều Tiên khước từ các yêu cầu của Mỹ về hạt nhân.
Một ngày sau, ông Trump khẳng định các cuộc tập trận quân sự chung vẫn sẽ tạm ngưng nhưng nếu buộc phải lựa chọn, Tổng thống Trump có thể khởi động các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản ngay lập tức với quy mô lớn chưa từng thấy.
Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên bán đảo Triều Tiên từ giữa những năm 1950 với mục đích chính là phối hợp tác chiến giữa quân đội Mỹ và lực lượng vũ trang Hàn Quốc trong trường hợp bị tấn công. Các cuộc tập trận thường niên, vốn tách biệt với các chương trình đào tạo của Mỹ ở Hàn Quốc, từ lâu đã là cái gai trong mắt Triều Tiên.
Tuyên bố của Tổng thống Trump xuất hiện không lâu sau khi truyền thông Triều Tiên cáo buộc Mỹ âm mưu tiến hành một cuộc chiến nhưng vẫn tham gia đàm phán với nụ cười trên môi. Triều Tiên dẫn thông tin từ truyền thông Hàn Quốc cho biết các lực lượng đặc biệt của Mỹ đang tập dượt cho một cuộc đột kích vào Triều Tiên.