Mỗi phương án sản xuất có những đặc điểm riêng để doanh nghiệp lựa chọn sao cho phù hợp với năng lực, quy mô và tính chất sản xuất của đơn vị. Tuy nhiên, các phương án đều trong điều kiện kiểm soát ngặt nghèo về phòng, chống dịch.
Theo hướng dẫn của Sở Công Thương TP.HCM về sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, cơ quan này đưa ra yêu cầu chi tiết để thực hiện, đồng thời có đánh giá mức độ rủi ro của từng phương án. Cụ thể:
Phương án “3 tại chỗ”
Doanh nghiệp đảm bảo thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ theo phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ.
Phương án này phù hợp với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, với số lượng người lao động không quá đông, có thể bố trí được mặt bằng để phục vụ nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần nhiều chi phí để phụ cấp bù đắp cho người lao động do phải thực hiện “3 tại chỗ” trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, chủ sử dụng lao động cũng cần có các giải pháp bổ trợ về tinh thần, giúp người lao động cân bằng công việc và cuộc sống trong điều kiện sinh hoạt khó khăn.
Chỗ nghỉ ngơi cho người lao động tại DN |
Theo đánh giá, đây là phương án có khả năng lây nhiễm thấp nhất, mức độ rủi ro thấp nhất.
Phương án “3 tại chỗ theo kíp”
Doanh nghiệp đảm bảo thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ theo phương châm “3 tại chỗ theo kíp”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất.
Theo đó, bố trí tối đa 50% người lao động, chia làm ít nhất 2 kíp sản xuất luân phiên, người lao động làm việc sau một số ngày nhất định thì sẽ được nghỉ và được thay bằng kíp làm việc tiếp theo. Kíp làm việc phải được xét nghiệm và có kết quả âm tính trước khi tham gia sản xuất và trước khi trở về nơi lưu trú. DN tự lựa chọn khoảng thời gian làm việc và khoảng thời gian nghỉ ngơi.
Đối với phương án này, DN thực hiện thường xuyên việc xét nghiệm cho người lao động sau mỗi đợt thay ca kíp làm việc và trước khi trở về nơi lưu trú, đồng thời, có giải pháp quản lý người lao động tại nơi lưu trú.
Phương án giúp DN giảm phụ cấp bù đắp cho người lao động từ việc thực hiện “3 tại chỗ”.
Theo đánh giá, đây là phương án có mức độ rủi ro trung bình.
Phương án “1 cung đường - 2 địa điểm”
Nguyên tắc thực hiện là chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân). DN tổ chức đưa đón người lao động từ nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc và ngược lại theo lộ trình xác định.
Người lao động không được dùng xe cá nhân để lưu thông và không được rời khỏi nơi lưu trú tập trung trong thời gian lưu trú.
Định kỳ hàng tuần, người lao động phải được xét nghiệm để phát hiện sớm trường hợp dương tính và thực hiện cách ly, khoanh vùng, truy vết ngay từ đầu, tránh lây nhiễm tập thể cho người lao động.
Vì chỉ có một số nơi lưu trú tập trung, do đó DN cần tổ chức nơi lưu trú đủ lớn để đáp ứng với số lượng lao động của mình.
Khi thực hiện phương án này, DN tiết kiệm được chi phí, thời gian cho việc tổ chức “3 tại chỗ”.
Theo đánh giá, đây là phương án có mức độ rủi ro trung bình.
Xét nghiệm Covid-19 cho công nhân “3 tại chỗ” |
Phương án “1 cung đường - 2 địa điểm mở rộng”
Theo phương án này, DN tổ chức nhiều nơi lưu trú tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau và tổ chức đưa đón công nhân từ các nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc.
DN tổ chức nhiều nơi lưu trú tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau để đảm bảo nhu cầu lưu trú cho người lao động. Do vậy, cần tổ chức đưa đón người lao động từ nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc và ngược lại theo lộ trình xác định. Người lao động không được dùng xe cá nhân lưu thông, cũng không được rời khỏi nơi lưu trú tập trung trong thời gian lưu trú. DN sẽ phải giám sát tất cả các nơi lưu trú tập trung.
Định kỳ hàng tuần, người lao động phải được xét nghiệm để phát hiện sớm trường hợp dương tính và thực hiện cách ly, khoanh vùng, truy vết ngay từ đầu, tránh lây nhiễm tập thể cho người lao động.
Khi thực hiện phương án này, DN cũng giảm phụ cấp bù đắp cho người lao động do phải sản xuất “3 tại chỗ”; người lao động được về nơi lưu trú nghỉ ngơi sau thời gian lao động sẽ có sức khỏe, tâm lý tốt hơn, năng suất lao động cao hơn.
Theo đánh giá, đây là phương án có mức độ rủi ro trung bình.
Phương án: Tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh”
Cụ thể, “4 xanh” trong phương án gồm: người lao động xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh, cung đường xanh.
“Người lao động xanh”: người lao động được tiêm vắc xin và được xét nghiệm âm tính định kỳ 7 ngày/lần.
“Vùng sản xuất xanh”: “người lao động xanh” tuân thủ quy định 5K, bố trí các khu vực sản xuất độc lập, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch và có khả năng kiểm soát nếu có tình huống lây nhiễm.
“Nơi ở xanh”: khu vực lưu trú của “người lao động xanh” đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, đã được tiêm vắc xin cho những người ở cùng và toàn khu vực lưu trú, được xét nghiệm âm tính và đáp ứng yêu cầu về quy định “vùng xanh”. Nếu “nơi ở xanh” không còn đảm bảo về tiêu chí “vùng xanh” theo quy định, người lao động phải báo ngay cho DN để sắp xếp nơi lưu trú hoặc bố trí lại nhân sự.
“Cung đường xanh”: “người lao động xanh” được đi bằng phương tiện cá nhân giữa “vùng sản xuất xanh”, ‘nơi ở xanh” theo “cung đường xanh” và không dừng đỗ dọc đường, không đi vào các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao trong các khung giờ phù hợp.
Đối với phương án khá phức tạp này, DN cần có giải pháp để kiểm soát người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch sau khi về nơi lưu trú; cũng như kiểm soát và duy trì thực hiện phương án “4 xanh”.
Phương án này giúp DN tiết kiệm được chi phí, thời gian cho việc tổ chức “3 tại chỗ”, đảm bảo năng lực sản xuất, duy trì được lực lượng lao động. Bên cạnh đó, người lao động được về nhà nghỉ ngơi sau thời gian lao động sẽ có tâm lý tốt hơn năng suất lao động cao hơn.
Tuy nhiên, theo đánh giá, đây là phương án có mức độ rủi ro khá cao.
Phương án “kết hợp”
Ngoài ra, DN có thể linh hoạt, tổ chức sản xuất theo phương án kết hợp của các phương án trên. Trong quá trình thực hiện, các DN cần huy động nhiều nguồn nhân lực để phục vụ sản xuất và phải kiểm soát tốt sự tách biệt giữa các bộ phận, việc lưu thông của người lao động để đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, từ hướng dẫn cụ thể, trên cơ sở xác định các phương án sản xuất phù hợp, các DN sẽ chủ động hoàn thiện phương án và thực hiện hồ sơ đăng ký gửi các cơ quan chức năng của TP thẩm định để được cho phép hoạt động, kể từ sau ngày 15/8.
Quảng Định