Trong nhóm VN30, chỉ có 3 mã tăng điểm, phần lớn giảm điểm
Quyết định của Tổng thống Donald Trump, nhiều tỷ phú USD bị thổi bay hàng trăm tỷ
Mở cửa phiên giao dịch sáng 23.3, giá trị giao dịch của hàng loạt cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, dầu khí đồng loạt giảm do hiệu ứng từ cơn bán tháo ồ ạt trên sàn chứng khoán Mỹ đêm qua trước lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại, khiến lạm phát bị thổi bùng lên sau khi Chính phủ của ông Donald Trump chỉ thị cho văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ lập một danh sách thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc lên đến 60 tỷ USD.
Kết quả, sau phiên giao dịch ngày 22.3, chỉ số Dow Jones giảm 723,41 điểm (tương đương với 2,9%) xuống còn 23.957,89 điểm, mức giá đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 8.2 và thấp nhất lần thứ 2 trong năm.
Chỉ số S&P 500 rơi 2,5%, xuống còn 2.643,69 điểm - thấp nhất kể từ ngày 9.2. Nasdaq bị thổi bay 178,61 điểm (tương đương 2,4%) xuống còn 7.166,68 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23.3, TTCK Việt Nam ghi nhận 230 mã giảm trên HOSE, 117 mã trên HNX. VnIndex giảm 18,77 điểm và thanh khoản cải thiện hơn các phiên trước khi đạt 7.760 tỷ đồng, bao gồm hơn 700 tỷ đồng thỏa thuận. HNX-Index giảm 2,17 điểm và khối lượng đạt 89 triệu cổ phiếu tương đương 1.536 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30, VIC kết thúc phiên giao dịch với mức giá 109.500 đồng/cổ phiếu, tăng 1,4% so với phiên giao dịch ngày 22.3. Trong DHG cũng tăng 5,5% lên 115.000 đồng/cổ phiếu nhờ thông tin sẽ nới room ngoại trong năm nay. SAB là cổ phiếu cuối cùng trong nhóm VN30 tăng giá, khi tăng thêm 1,9% lên 235.400 đồng/cổ phiếu.
Ở chiều ngược lại, chỉ có duy nhất ROS giảm sàn. Còn VRE giảm 3,7%, xuống dưới 50.000 đồng/cổ phiếu. Nhóm ngân hàng vẫn bị chốt lời mạnh. BID giảm tới 4,4%, lùi về 42.350 đồng. Các cổ phiếu khác cũng giảm khoảng 3%.
Trong khi tài sản chứng khoán của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng hơn 1.000 tỷ đồng thì tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trần Đình Long đều giảm hàng trăm tỷ đồng
Sự biến động trên TTCK Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 23.3 đã gây tác động ít nhiều tới tài sản của các tỷ phú USD Việt Nam trên sàn chứng khoán.
Trong khi tài sản chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng tăng thêm khoảng 1.085,95 tỷ đồng, tương đương 1,39% nhờ cổ phiếu VIC lập đỉnh giá mới, thì tài sản của tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục giảm 534,18 tỷ đồng (2,23%) do giá trị giao dịch của cổ phiếu HPG giảm 1.400 đồng/cổ phiếu, xuống còn 61.400 đồng/cổ phiếu.
Tài sản chứng khoán của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air kiêm Phó Chủ tịch HĐQT HDBank ước tính cũng giảm 102,24 tỷ đồng do giá trị giao dịch của cổ phiếu VJC và HDB lần lượt giảm 0,2% và 1,2%.
TTCK Việt Nam trong hai ngày 22.3 và 23.3 cũng ghi nhận sự biến động tài sản của ông Trịnh Văn Quyết. Sau những phiên tăng trần liên tiếp trước đó, cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng FLC FAROS, nơi ông Quyết đang nắm 318.514.630 cổ phiếu, ứng với 67,3% đã giảm sàn liên tiếp trong hai phiên giao dịch ngày 22.3 và 23.3 khiến giá trị giao dịch của ROS “bốc hơi” 13,29%. Cộng thêm việc hai cổ phiếu khác mà ông Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ là ART và FLC cũng giảm giá trị giao dịch đã khiến tài sản chứng khoán của ông này bị “thổi bay” hơn 6.000 tỷ đồng sau 2 ngày.
Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng cán mốc 6 tỷ USD
Theo số liệu mới nhất từ Forbes, giá trị tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup lần đầu tiên chạm mốc 6 tỷ USD và trở thành người giàu thứ 311 thế giới. Đây là thứ hạng cao nhất từ trước đến nay của ông Phạm Nhật Vượng.
Ông Phạm Nhật Vượng sắp lot vào Top 300 người giàu nhất thế giới
Tính riêng 3 tuần qua, tài sản của ông Vượng đã tăng thêm tới 1,7 tỷ USD nhờ giá trị giao dịch của cổ phiếu VIC của Vingroup tăng 15%. Ông Vượng hiện sở hữu khoảng 1,54 tỷ cổ phiếu VIC, trong đó nắm giữ trực tiếp 724 triệu cổ phiếu và gián tiếp khoảng 817 triệu cổ phiếu.
Trong khi tài sản ông Phạm Nhật Vượng tăng mạnh, thì tài sản 3 tỷ phú còn lại của Việt Nam không có nhiều biến động. Tổng tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo là 3,4 tỷ USD, ông Trần Bá Dương: 1,8 tỷ USD, ông Trần Đình Long: 1,4 tỷ USD.