“Hôm qua (13/3), HTX đã triển khai 2 sà lan (1.700 – 2.000 khối nước/sà lan) và hôm nay sẽ có thêm một sà lan nữa đưa nước ngọt đến 2 xã: Tam Bình và Phú Phong (Cai Lậy) – nơi có nhiều diện tích sầu riêng bị hạn mặn”, anh Hiếu thông tin.
Nước ngọt được đưa vào sà lan và chuyển đến các địa phương có diện tích sầu riêng bị hạn mặn.
Cũng theo anh Hiếu, sắp tới ngoài việc dùng sà lan trọng tải lớn để lấy nước ở thượng nguồn, HTX còn dùng sà lan trọng tải nhỏ để chở nước vào các vùng trồng sầu riêng nằm sâu trong nội đồng qua hệ thống sông, rạch nhỏ.
Hiện, mỗi ngày HTX có thể cung cấp tối đa khoảng 10.000 khối nước ngọt cho nông dân.
Do bị ảnh hưởng của hạn mặn khốc liệt thời gian qua, nhiều diện tích cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng, ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy (Tiền Giang) đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cây xơ xác khô héo vì thiếu nước tưới. Thậm chí, có vườn sầu riêng có nguy cơ biến thành củi nếu không được cấp nước kịp thời.
Để có nước ngọt cứu cây, ở nhiều nơi, nông dân phải mua nước với giá 200.000 – 300.000 đồng/khối. Trước tình hình đó, UBND tỉnh quyết định thuê sà lan chở nước về cấp miễn phí cho người dân từ ngày 15/3 đến hết tháng 4.
Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Nguyễn Văn Bằng cho biết, hiện nhiều xã trên địa bàn huyện, như Tam Bình, Ngũ Hiệp, Tân Phong, Long Trung, Long Tiên… thiếu nước ngọt trầm trọng. Đến nay, địa phương có 800ha sầu riêng bị rụng lá, 40ha cây bị chết chủ yếu do thiếu nước ngọt.
Nhiều vườn sầu riêng ở Tiền Giang đã rụng lá trơ trụi do bị hạn mặn.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, tỉnh sẽ thuê tàu chở nước ngọt cấp cho các huyện trên để tưới cho 12.100ha sầu riêng bị ảnh hưởng hạn, mặn, với thời gian hỗ trợ nước ngọt để tưới 1,5 tháng. Tổng kinh phí thực hiện theo phương án là gần 37 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, đối với cây sầu riêng giai đoạn cho thu hoạch (trên 5 năm tuổi trở lên) cần 100 lít nước/cây/lần tưới và tưới 4 lần/tháng. Như vậy, với mật độ trồng bình quân 200 cây/ha phải cần 80 khối nước/ha/tháng. Đối với cây sầu riêng giai đoạn kiến thiết (từ 2 đến 5 năm tuổi) thì cần 50 lít/cây/lần tưới và cần tưới 40 khối nước/ha/tháng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn nhận định, việc cấp ngọt cho các địa phương phục vụ vùng trồng sầu riêng là rất khẩn cấp. Những khu vực, diện tích sầu riêng nào đang “khát” nước ngọt thì ưu tiên trước.
Riêng các khu vực nằm xa kinh trục, địa phương phải có ghe, có tàu nhỏ để trung chuyển đến điểm cố định. Tỉnh cho kinh phí thuê tàu chở nước về, địa phương phải bỏ kinh phí mua bạt về trải lấy nước ở những điểm cố định và ghe trung chuyển vào những điểm sâu bên trong.
Nhiều nơi nông dân phải mua nước ngọt với giá "cắt cổ" để tưới sầu riêng.
Các huyện như Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy trực tiếp ký hợp đồng với Hợp tác xã (HTX) Rạch Gầm để chở nước; giám sát quá trình lấy nước, lo phương tiện vận chuyển nước cho người dân.