Nông dân ở thành phố Hải An, phía đông Trung Quốc đã thu hoạch những quả sầu riêng đầu tiên và sẽ bán tại thị trường nội địa . Nhiều người đặt nghi vấn rằng đây có thể là mối đe dọa đối với Thái Lan, nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất sang Trung Quốc?
Theo hãng tin Thái Lan The Nation, Văn phòng Xúc tiến Thương mại Thái Lan tại Hạ Môn cho biết Trung Quốc đã sản xuất thành công sầu riêng Hải Nam, đánh dấu một thành tựu đáng kể cho ngành sầu riêng Trung Quốc. Tuy nhiên văn phòng cũng cho biết: "Điều này sẽ không tác động đáng kể đến việc nhập khẩu sầu riêng Thái Lan do sản lượng hạn chế. Tuy nhiên, Thái Lan không thể ‘tự mãn’ vì thị trường sầu riêng Thái Lan có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh từ sầu riêng Hải Nam bất cứ lúc nào."
Theo China News Service, Trung Quốc đã trồng sầu riêng ở các khu vực như Hải Nam, Tam Á và Yucai. Lô đầu tiên từ Hải Nam sẽ được đưa ra thị trường trong tháng này với khoảng 500 cây hiện đang cho quả. Sầu riêng Hải Nam đã được trồng 4 năm và năm nay đánh dấu vụ thu hoạch đầu tiên. Theo ước tính, sầu riêng sẽ được trồng ở Hải Nam trên hơn 6.600ha đất trong vòng 3 đến 5 năm tới.
Diện tích này rất nhỏ so với Việt Nam. Để so sánh, theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích sầu riêng cả nước hơn 150.000ha (tăng 146.800 ha so với năm 2015), tương ứng với sản lượng sầu riêng tăng từ 366.000 tấn lên hơn 1,2 triệu tấn.
Trung Quốc, nước tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, đã nhập khẩu 1,4 triệu tấn vào năm 2023, chủ yếu từ Thái Lan và Việt Nam, tăng gần 70% so với năm trước. Theo cơ sở dữ liệu thương mại Global Trade Atlas, trong 4 tháng đầu năm, Thái Lan chiếm 65,6% thị phần tại Trung Quốc, tiếp theo là Việt Nam với 33,8%. Tuy nhiên riêng trong tháng 4, Việt Nam lần đầu vượt Thái Lan về xuất khẩu loại quả này sang Trung Quốc.
Thái Lan dự kiến xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn sầu riêng , trị giá ước tính 130 tỷ baht ( tương đương 3,5 tỷ USD) trong năm nay. Điều này yêu cầu nghiêm ngặt về việc thiết lập các tiêu chuẩn về trọng lượng khô cho các giống sầu riêng khác nhau: 32% cho Montong, 30% cho Chanee và 28% cho Kra Dum.
Ngoài Thái Lan và Philippines, sầu riêng Việt Nam sẽ có thêm đối thủ cạnh tranh tại thị trường hơn tỷ dân của Trung Quốc khi từ ngày 19/6 tới đây, sầu riêng tươi của Malaysia được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sau khi hai nước ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng .
Trước đó, Malaysia chỉ được phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc . Sự góp mặt của sầu riêng tươi đến từ Malaysia sẽ làm tăng sức nóng cạnh tranh trên thị trường của Trung Quốc. Trước đây chỉ có 3 nước được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Thái Lan, Việt Nam và Philippines.
Dự báo trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm của Việt Nam dự kiến sẽ thu về 3,5 tỷ USD. Sầu riêng Việt Nam đang bước vào chính vụ thu hoạch. Theo số liệu của Cục Trồng trọt, sản lượng sầu riêng năm nay ước đạt 1,5 triệu tấn, tăng mạnh so với năm ngoái.