Trên trang cá nhân, founder của Coolmate Phạm Chí Nhu thông báo startups này đã chính thức nhận vốn đầu tư từ quỹ VIC Partners của CEO Hùng Đinh.
Coolmate được thành lập từ năm 2019, doanh số năm 2020 đã tăng 6 lần nhờ vào việc bán các sản phẩm cơ bản như áo thun, đồ lót và bít tất dành cho nam giới thông qua nền tảng thương mại điện tử.
Từ khi thành lập đến nay, Coolmate đã bán hơn 200.000 đơn hàng, doanh số năm 2020 là 39 tỷ và đã có kế hoạch mở rộng ra các nước trong khu vực Đông Nam Á, cũng như có kế hoạch IPO vào năm 2025. Bên cạnh đó, startup này cũng tiết lộ, lợi nhuận của Coolmate rơi vào khoảng 5,6 tỷ, định giá pre-money là 6,25 triệu USD.
Tại buổi ký kết Hợp đồng đầu tư, doanh nhân Hùng Đinh - chủ tịch Quỹ VIC Partners chia sẻ: "VIC Partners lựa chọn Coolmate vì tin tưởng vào đội ngũ sáng lập giàu hoài bão và kinh nghiệm, cũng như dung lượng và tiềm năng tăng trưởng lớn của ngành thời trang Việt Nam. Coolmate có một cách tiếp cận rất hiện đại với mảng bán lẻ: lấy người dùng làm trọng tâm để xây dựng doanh nghiệp. Từng khâu từ sản xuất, quảng cáo, bán hàng, vận chuyển, chăm sóc khách hàng đều được đội ngũ sáng lập xây dựng với mục tiêu mang lại sản phẩm tốt với giá cả phải chăng cùng trải nghiệm mua hàng dễ dàng, nhanh chóng, và an tâm. Chúng tôi muốn hỗ trợ Coolmate trở thành thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực thời trang cơ bản (basic apparel) tại Việt Nam trong 5 năm tới."
Ông Trần Anh Tùng - Giám đốc điều hành Quỹ VIC Partners cũng cho hay: "VIC Partners là một trong số ít các quỹ đầu tư nội địa luôn tin tưởng vào tiềm năng của các thương hiệu địa phương (local brands). Những thương hiệu địa phương có đội ngũ sáng lập tài năng và cách làm đột phá theo xu hướng bán lẻ kiểu mới (new retail) như Coolmate, Curnon (mảng thời trang, phụ kiện) hay Happy Skin, Cocoon (mảng mỹ phẩm - chăm sóc da) hoàn toàn có thể tăng trưởng quy mô hàng chục đến hàng trăm lần chỉ sau một thời gian ngắn. Chúng tôi muốn giúp các thương hiệu Việt vươn lên khẳng định vị thế tại sân chơi trong nước, qua đó mang lại lợi tức cho các nhà đầu tư của Quỹ."
CEO Hùng Đinh (đeo kính ở giữa) và Giám đốc đầu tư VIC Partners Trần Anh Tùng (đeo kính chống tay)
Founder Phạm Chí Nhu đã có màn gọi vốn thành công trên Shark Tank khi muốn huy động 250.000 USD cho 4% cổ phần. Chỉ vài giây sau thuyết trình, Shark Bình đã chốt deal luôn với mong muốn làm "gió đông thổi em ra Đông Nam Á". Shark Bình đưa ra đề nghị 500.000 USD cho 25% cổ phần tuy nhiên Founder Phạm Chí Nhu sau màn mặc cả đã chốt đề nghị cuối cùng của mình là 500.000 USD cho 10% cổ phần, cộng thêm 2,5% advisory shares và đã nhận được cái gật đầu của Shark Bình. Shark Bình đã "quẹt thẻ" đặt cọc ngay cho startup 10.000 USD, tương đương khoảng 200 triệu đồng.
Phạm Chí Nhu và màn mặc cả từng % với Shark Bình trên Shark Tank
Đầu năm 2020, công ty này đã nhận được khoản đầu tư đầu tiên từ Quỹ 500 Startups - một quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Silicon Valley.
Sau khi lên Shark Tank 2 tháng, tháng 5/2021, Shark Bình đã hoàn tất thương vụ đầu tư 500.000 USD vào Coolmate. Theo bà Lê Hạnh, CEO TVHub, đơn vị sản xuất chương trình Shark Tank Việt Nam, đây có thể xem là màn thẩm định thành công và nhanh nhất trong lịch sử Shark Tank Việt Nam khi nhà đầu tư đã chính thức rót tiền cho startup trong khi chương trình vẫn còn đang phát sóng.
Tháng 6/2021, Coolmate cho biết STIC - quỹ từ Hàn Quốc, đã rót 500.000 USD tại vòng Pre-series A, đổi lấy 10% cổ phần của Coolmate. Điều này đồng nghĩa với việc startup này đang được định giá 5 triệu USD.
Tháng 8/2021, VIC Partners hoàn tất đầu tư vào Coolmate với mức định giá ngang với mức định giá của STIC, con số đầu tư không được thông báo. Như vậy chỉ trong 3 tháng liên tiếp, Coolmate đã "chốt deal" với 3 nhà đầu tư.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, với sự hỗ trợ từ VIC Partners và các quỹ đầu tư, Coolmate mong muốn sẽ đẩy nhanh mục tiêu doanh số của năm 2021 và những năm tiếp theo, đồng thời đảm bảo xây dựng được năng lực vận hành và đội ngũ con người đảm bảo tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của startup này, tiến tới IPO vào năm 2025.