Theo Báo cáo của Hội Môi giới BDDS Việt Nam, nguồn cung mới và giao dịch condotel trong quý II năm nay đều giảm so với quý I, dù quý I, hoạt động của loại hình này được cho là thấp hơn kỳ vọng. Thậm chí, báo cáo của Hội Môi giới còn cho biết nguồn cung trong quý II chủ yếu đến từ các dự án năm 2018 chưa bán được.
Xét tổng 6 tháng đầu năm, nguồn cung trên thị trường này đạt mức 11.855, lượng giao dịch đạt 2.967 căn, tỷ lệ hấp thụ thấp chỉ đạt trên 25,02% - mức được đánh giá là thấp đối với một thị trường từng bùng nổ trong năm 2017.
Thực tế, không phải đến năm 2019, thị trường condotel mới bắt đầu giảm nhiệt. Trước đó, năm 2018 hầu hết các thành phố du lịch lớn như Đà Nẵng hay Nha Trang đều sụt giảm mạnh về nguồn cung.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS việc chậm triển khai các thủ tục dự án cùng với việc chưa có nhiều chính sách tạo điều kiện phát triển dòng sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng là 2 nguyên nhân khiến thị trường condotel ảm đạm.
Trước đó, ông Đính chũng cho biết hiện Ngân hàng nhà nước đã siết chặt vốn nên dòng vốn đầu tư đặc biệt là dòng vốn về BĐS nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các chính sách của nhà nước về pháp lý cho các sản phẩm Condotel vẫn chưa được tháo gỡ gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư.
"Năng lực phát triển dự án loại hình BĐS nghỉ dưỡng còn hạn chế, đặc biệt là năng lực khai thác kinh doanh sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng của các chủ đầu tư Việt Nam còn yếu và hạn chế. Dẫn đễn sự ngờ vực của các nhà đầu tư khi đầu tư vào loại hình này cảm nhận thấy không đảm bảo cho hiệu quả đầu tư của họ lâu dài. Hiện nay các nhà đầu tư nhỏ lẻ rất thận trọng trong chọn lựa dự án BĐS nghỉ dưỡng", ông Đính cho biết thêm.
Ngoài ra, theo Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, hiện giá bán của sản phẩm nghỉ dưỡng hiện đã được các chủ dự án đẩy lên ở mức cao, bình quân từ 35 – 50 triệu đồng/m2 thậm chí có những dự án có giá trên 70 triệu đồng/m2. Ở mức giá cao này nhà đầu tư khó tạo thanh khoản khi có nhu cầu chuyển nhượng.
Đồng quan điểm với ông Đính, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cũng từng khẳng định, hiện trạng trên của phân khúc condotel là điều đã được báo trước. Phân tích cụ thể, ông Đực cho biết, hệ thống truyền thông, bán hàng condotel quá tốt, họ tìm nhiều cách tiếp cận khách hàng và dùng những lợi ích, viễn cảnh tốt đẹp để tuyên truyền, mê hoặc khách hàng bỏ tiền vào condotel.
Rất nhiều người vì nghĩ lợi nhuận từ condotel 10-12%, thậm chí 15%, lãi hơn bất kỳ loại hình kinh doanh nào khác nên đổ vào condotel số tiền quá lớn, nhưng đến khi đưa vào sử dụng thì thực tế không được như vậy.
Khách hàng mua condotel có thể được trả lợi tức 10-12%/năm trong một vài năm đầu, nhưng một vài năm sau việc trả lãi chậm dần vì các khu resort của Việt Nam chưa đủ khả năng thu hút nhiều khách đến như vậy dẫn đến thu nhập chưa nhiều để trả lãi cho người mua. Cuối cùng, khi chủ đầu tư không trả tiền nữa sẽ xảy ra nhiều đổ vỡ.
"Phát pháo" đầu tiên thu hồi sổ đỏ thời hạn lâu dài dự án condotel tại Đà Nẵng
Mới đây, TP.Đà Nẵng ra phương án thu hồi sổ đỏ có thời hạn lâu dài đã cấp cho một dự án BĐS nghỉ dưỡng của Công ty 586, phát triển trên đất có mục đích sản xuất - kinh doanh - thương mại - dịch vụ, trong đó có căn hộ condotel. TP Đà Nẵng đã đưa ra phương án thu hồi sổ đỏ có thời hạn lâu dài và cấp lại sổ đỏ chỉ còn thời hạn 39 năm.
Thông tin này được xem là "cú sốc" đối với phân khúc BĐS nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, đặc biệt thách thức với các dự án condotel, biệt thự biển lâu nay vẫn được quảng cáo là có sổ đỏ lâu dài.
Theo phản ánh của công ty bị thu hồi sổ đỏ lâu dài, trước đây UBND Tp.Đà Nẵng và một số địa phương khác đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ condotel trên đất có mục đích sản xuất - kinh doanh - thương mại - dịch vụ có thời hạn ổn định lâu dài, không hình thành đơn vị ở, tại thời điểm năm 2008.