Từng nổi trội là ‘tay chơi’ M&A khét tiếng trên thị trường, việc chạy đua huy động vốn đã khiến Thủy sản Hùng Vương (HVG) lao đao, kể từ năm 2015 (khi toàn ngành thủy sản gặp khủng hoảng) cho đến thời điểm hiện tại. Bị từ chối giãn nợ bởi nhà băng, HVG giai đoạn 2018-2019 liên tục bán đứt những công ty con, liên kết nhằm duy trì hoạt động.
Năm 2019 tiếp tục bán ra tài sản, công ty con
Ghi nhận, năm 2018 Công ty liên tục thanh lý các bất động sản, bao gồm:
(1) Quyết định giải thể đối với Địa ốc An Lạc do Công ty năm giữ 76% vốn. Tổng diện tích đất bán ra 7131.5 m2 bao gồm diện tích 1488.5 m2 tại 94 Phạm Đình Hổ (phường 2, quận 6) và diện tích 5643 m2 tại 765 Hồng Bàng (phường 6, quận 6).
(2) Thoái vốn tại Thực Phẩm Sao Ta (FMC) với hơn 21 triệu cổ phiếu, tương đương 54,28% vốn và thu về 486,8 tỷ đồng;
(3) Bán bớt vốn tại Việt Thắng (VTF), giảm tỷ lệ sở hữu từ 90,36% về 33,16% vốn, tương đương thu về hơn 861 tỷ đồng.
(4) Bán Kho lạnh 2 cho Giải pháp Thương mại ABA, thu về gần 151 tỷ đồng.
Mặc dù liên tục cắt bỏ công ty con, dự án cũng như các mảng kinh doanh để thu hẹp hoạt động về lĩnh vực trọng điểm, HVG vẫn đối mặt với bài toán cân đối tài chính, áp lực nợ vay cao trong bối cảnh chờ duyệt giãn nợ từ nhà băng. Điểm sáng duy nhất năm 2019, theo tuyên bố mạnh mẽ của Chủ tịch Dương Ngọc Minh, Công ty sẽ được mức thuế tối ưu trong đợt POR14. Tuy nhiên, kết quả đi ngược hoàn toàn với dự báo của lãnh đạo - dự báo mà Công ty thông tin nắm chắc 80% phần thắng.
Kết quả, năm nay HVG tiếp tục bán ra tài sản, theo BCTC hợp nhất 2019 Công ty hiện còn 7 công ty con (giảm 2 so với con số 9 đơn vị đầu kỳ), 7 công ty liên kết; tổng giá trị vào mức 730,5 tỷ đồng, riêng khoảng dự phòng ngốn đến 95 tỷ đồng. Trong đó, HVG tiếp tục:
(5) Bán 51% vốn tại Hùng Vương Sông Đốc, tương đương giá trị hơn 32 tỷ đồng.
(6) Giảm tiền mặt từ mức 317 tỷ đồng về chỉ còn 42 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/9/2019, tổng tài sản HVG giảm gần 600 tỷ về 6.904 tỷ đồng, nợ vay tiếp tục ở mức cao hơn 1.493 tỷ đồng, xấp xỉ mức vốn 1.667 tỷ.
Về hoạt động kinh doanh, trong quý 4/2019, HVG đạt 687 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 1000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đà giảm chủ yếu đến từ doanh thu xuất khẩu, ghi nhận giảm phân nửa so với cùng kỳ.
Do bán hàng thấp hơn giá vốn dẫn đến việc HVG ghi nhận khoản lỗ gộp 36 tỷ đồng; lỗ ròng của quý 4 là 242 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm tài chính 2018-2019, doanh thu của HVG giảm hơn 1/2 từ 8.100 tỷ xuống 4.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm 600 tỷ, từ 104 tỷ xuống -500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm từ 1,5 tỷ xuống -476 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2019, lỗ lũy kế của HVG đã lên đến 892 tỷ đồng.
Đi cùng với kinh doanh bê bết, cổ phiếu HVG liên tục lao dốc, so với mức đỉnh thiết lập năm 2015 (~23.000 đồng/cp) đã giảm gần 8 lần thị giá về mức 3.000 đồng/cp. Tuy nhiên, đợt tăng giá liên tục gần đây giúp vốn hóa HVG hồi phục gần 1.300 tỷ đồng, hiện HVG giao dịch ở mức 8.510 đồng/cp (tương đương vốn hóa 1.889,5 tỷ đồng).
Trong động thái hợp tác chiến lược với THACO tại mảng chăn nuôi, công trình 'thu gom' cho hệ chăn nuôi thủy sản khép kín của ông Dương Ngọc Minh được chú ý hơn cả. Biết rằng, trong ký kết chiến lược với Hoàng Anh Gia Lai, THACO cũng như THADI (công ty con chuyên đầu tư sản xuất kinh doanh nông – lâm nghiệp) đang hướng đến phát triển một hệ sinh thái bền vững, dĩ nhiên bao gồm chăn nuôi.
Tính đến đầu năm 2019, mặc dù giảm sút đáng kể, quy mô chăn nuôi của HVG vẫn khá ‘hấp dẫn’, bao gồm 3 trại giống, diện tích vùng nuôi cá 713ha, trại chăn nuôi heo với hơn 500.000 con/năm, nhà máy chế biến thức ăn thủy sản với công suất 1,5 triệu tấn/năm, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với 600.000 tấn/năm, hệ thống kho thức ăn chăn nuôi với tổng diện tích 80.000 m2, nhà máy chế biến tôm với 7.000 tấn/năm, nhà máy chế biến cá công suất 400.000 tấn/năm.
Được biết, lễ ký hợp tác chiến lược giữa đơn vị và Công ty sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp THADI, công ty con của THACO) sẽ diễn ra vào ngày 9/1 tại Tp.HCM.