Sau khi đại hội chính thức bỏ phiếu bầu 27 ủy viên vào Ban chấp hành, đích thân Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đã tham gia cùng Ban chấp hành mới bầu cử chức danh chủ tịch.
Ông Nguyễn Ngọc Nam được bầu vào vị trí tân chủ tịch VFA. Ảnh: Nguyên Vỹ
Trước đó, cuối tháng 9.2017, Bộ NNPTNT đã ra quyết định về việc thôi giữ chức Thành viên trong Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) kiêm Chủ tịch VFA đối với ông Huỳnh Thế Năng.
Đồng thời, ông Nguyễn Ngọc Nam được giao đảm nhận vị trí quyền Tổng giám đốc Vinafood 2 từ đó cho đến nay (trước đó là Phó Tổng giám đốc Vinafood2).
Phát biểu với vai trò mới, tân chủ tịch VFA hứa nhiều vấn đề tồn tại trong ngành sẽ cải tổ lại để tăng cường tính đoàn kết và năng động hơn trong nhiệm kỳ hoạt động 2018 – 2023.
“VFA sẽ tiếp tục tăng cường phát triển hội viên để phối hợp hành động, chống ép giá, bán phá giá, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và uy tính của ngành gạo Việt Nam”, ông Nam nói.
Bà Dương Phương Thảo, Cục Phó Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết xu hướng xuất khẩu đang chú trọng và chuyển dịch mạnh mẽ đến các mặt hàng gạo chất lượng cao.
VFA tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2018 - 2023 lần 8. Ảnh: Nguyên Vỹ
Bà Thảo đánh giá Ban chấp hành mới được bầu nhiệm kỳ này đã cho thấy có sự kết hợp đa dạng nhiều thành phần với sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp tư nhân và đội ngũ điều hành trẻ trung, năng động hơn.
“Sau khi hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hi vọng VFA sẽ tiếp tục phát huy vai trò của Hiệp hội, đặc biệt là việc gắn kết và hiệp thương giữa các doanh nghiệp thành viên để tạo lợi thế chung cho toàn ngành”, bà Thảo nói.
Theo tân Chủ tịch VFA, tình hình xuất khẩu gạo năm 2018 có nhiều yếu tố thuận lợi hơn so các năm trước. Dự kiến năm nay, cả nước sẽ xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn gạo.
Nhiệm kỳ 2018 – 2023, VFA kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tăng cường liên kết sản xuất tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu phù hợp yêu cầu thị trường.
VFA kiến nghị tiếp tục có chính sách khuyến khích liên kết sản xuất tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu phù hợp yêu cầu thị trường. Ảnh: Nguyên Vỹ
Với Bộ Công Thương, VFA đề nghị Bộ sớm trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 109/2010 cho phù hợp với tình hình mới; rà soát quy hoạch cảng biển, luồng tàu, tăng cường năng lực bốc dỡ hàng hóa.
VFA cũng đề nghị Bộ NNPTNT xây dựng quy trình kiểm tra và VSATTP nhằm hạn chế các trường hợp hàng bị trả về, gây tổn thất uy tín trên thị trường.
“Bộ cần tiếp tục đàm phán với Cục giám sát chất lượng của Trung Quốc (AQSIQ) bổ sung đầu mối xuất khẩu gạo vào thị trường này cũng như xây dựng cơ chế giải quyết vướng mắc phát sinh”, ông Nguyễn Ngọc Nam đề nghị.
Chia sẻ tại đại hội, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết ở trong nước, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu về chất lượng nhưng lại đòi hỏi giá cao. “Chất lượng, giá cả và uy tín thương hiệu luôn là yếu tố quyết định, nhất là với thị trường Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu cao và đang tăng cường kiểm soát chất lượng”, Thứ trưởng chia sẻ. |