Tháng 6/2003, doanh nhân Lý Quí Trung khai trương cửa hàng Phở 24 đầu tiên trên đường Nguyễn Thiệp, quận 1, TPHCM.
Gọi là Phở 24 vì món ăn này được chế biến từ 24 thứ gia vị ( nước, thịt, xương ống, muối, tiêu, đường, nước mắm, hành tây, hành tím, hành lá, đinh hương, gừng, quế, thảo quả, hạt ngò, ngò gai, củ cải trắng, chanh, ớt, ngò rí, bánh phở tươi, rau, quế, giá...), chắt lọc tinh tế từ khẩu vị của 3 miền. Ngoài ra, cái tên này tượng trưng cho 24h trong một ngày, thể hiện mong muốn của nhà sáng lập là đem thương hiệu phở Việt đi khắp các quốc gia trên thế giới và sẽ không bao giờ đóng cửa.
Với vai trò tiên phong trong việc nâng tầm món phở truyền thống thành món ăn nhà hàng sang trọng, Phở 24 nhanh chóng thu được sự chú ý của cả truyền thông lẫn khách hàng. Liên tiếp các cửa hàng mới được khai trương ở Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang…theo hình thức nhượng quyền, đưa Phở 24 thành chuỗi phở lớn nhất Việt Nam.
Cha đẻ Phở 24 - ông Lý Quí Trung
Tuy nhiên sau vài năm phát triển, Phở 24 gặp vấn đề về tài chính khi cần nhiều kinh phí để phát triển mạnh thương hiệu ra quốc tế nhưng Quỹ đầu tư VinaCapital lại chuẩn bị thoái vốn khỏi dự án này. Bản thân ông Lý Quí Trung cũng theo trường phái tránh vay vốn ngân hàng khi kinh doanh.
Ngoài ra, vì đã phát triển lên tầm chuỗi, Phở 24 gặp khó khăn trong khâu quản lý hệ thống nhượng quyền, đảm bảo chất lượng đồng nhất. Chưa kể chuỗi phở còn chịu sự cạnh tranh của hàng loạt thương hiệu đồ ăn nhanh có tiếng cùng ồ ạt đổ vào Việt Nam như KFC, Lotteria,…
Kêt quá là tháng 11/2011, sau 8 năm gây dựng, ông Trung bán 100% cổ phần Phở 24 cho Công ty Việt Thái Quốc Tế, đơn vị sở hữu thương hiệu Highlands Coffee, với giá 20 triệu USD. Công ty Việt Thái sau đó đã bán 50% cổ phần Phở 24 cho Tập đoàn Jollibee (Philippines) với giá 25 triệu USD.
Như vậy Phở 24 chính thức về tay 2 ông chủ mới là Tập đoàn JolliBee và công ty Việt Thái Quốc Tế, mỗi bên nắm 50% cổ phần.
Ảnh: Fanpage Phở 24.
Phở 24 hiện tại ra sao?
Sau thời điểm chuyển nhượng, Phở 24 liên tục mở các cửa hàng mới, và thậm chí còn đặt kế hoạch mở thêm cửa hàng ở tất cả các thành phố lớn của Việt Nam.
Ông David Thái, nhà sáng lập Tập đoàn Việt Thái Quốc Tế, một trong hai ông chủ của Phở 24 từng khẳng định: "Thời gian tới, Phở 24 sẽ tiếp tục mở rộng mô hình kinh doanh bằng việc khai trương nhiều cửa hàng mới tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang… Phấn đấu sẽ đạt 1.000 cửa hàng trong tương lai".
Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, theo cập nhật trên website chính thức của Phở 24, thương hiệu này chỉ tập trung tại TPHCM với số lượng hơn 20 cửa hàng, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra. Các thành phố lớn khác đều vắng bóng chuỗi phở đình đám một thời.
Dù không đạt mục tiêu về số lượng, nhưng kết quả kinh doanh của Phở 24 khá khả quan. Theo báo cáo của Jollibee– đồng sở hữu Phở 24, năm 2018, ngoài thị trường Việt Nam, phở 24 đã có mặt ở Indonesia và Philippines. Trung bình mỗi năm chuỗi bán ra 5 triệu tô phở. Với 6 cửa hàng mở mới, năm 2018 ghi nhận kết quả tốt nhất trong vòng 4 năm của Phở 24 nhờ cải thiện thiết kế cửa hàng cũng như mô hình hoạt động nhằm phục vụ nhanh hơn, tăng trải nghiệm cho thực khách.
Tại thị trường chính là Việt Nam, ngoài bán trong cửa hàng, Phở 24 đã xuất hiện trên các ứng dụng giao đồ ăn như GrabFood, Now, GoFood và Beamin, đi kèm đó là nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng. Bên cạnh thực đơn chính là phở, Phở 24 cũng bổ sung những món mới như xôi, bánh mì, cơm tấm,...
Tuy nhiên về kết quả kinh doanh, Phở 24 lỗ ngày càng lớn. Năm 2016, Phở 24 lỗ 17 tỷ đồng thì đến năm 2019 vừa qua số lỗ đã lên đến 33,3 tỷ đồng. Doanh thu năm 2019 đạt khoảng 120 tỷ đồng, cao gấp rưỡi so với năm 2016.