Saudi Arabia có kế hoạch tăng sản lượng dầu trong những tháng tới, như vậy xu thế chính sách năng lượng của nước này đảo ngược, theo những chuyên gia tư vấn cho chính phủ Saudi Arabia. Động thái chính sách này dự kiến được đưa ra khi mà niềm tin vào quá trình phục hồi của giá dầu đang lớn dần.
Theo WSJ, vào tháng trước, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới không khỏi khiến cho thị trường năng lượng ngạc nhiên khi công bố sẽ đơn phương giảm sản lượng 1 triệu thùng dầu/ngày bắt đầu từ tháng 2 và tháng 3/2021 trong nỗ lực để nâng giá dầu.
Tuy nhiên sang đến tháng này, Saudi Arabia đã đảo ngược chính sách trước thềm cuộc gặp của liên minh các nước sản xuất năng lượng vào tháng sau. Các quy định về nâng sản lượng dầu sẽ chưa được áp dụng chính thức cho tới tháng 4/2021 bởi Saudi Arabia đã cam kết sẽ duy trì giảm sản lượng cho đến tháng 3/2021.
Tuy nhiên các tư vấn viên vẫn nhấn mạnh rằng kế hoạch có thể bị đảo ngược nếu tình hình thay đổi và rằng cho đến nay, Saudi Arabia vẫn chưa có những kết nối để bàn thảo với các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Thái tử Saudi Arabia, ông Abdulaziz bin Salman, nói: "Chúng tôi hiện đang ở trong trạng thái tốt hơn rất nhiều so với một năm trước đây, thế nhưng chúng tôi cần phải cảnh báo về sự tự mãn. Yếu tố bất ổn còn rất nhiều và chúng tôi phải cực kỳ thận trọng".
Trong tuần vừa qua, giá dầu đã trở lại ngưỡng cao chưa từng thấy tính từ đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020 và gây tổn hại đến nhu cầu dầu toàn cầu. Giá dầu Brent, loại dầu chuẩn của thế giới, đã chạm mức 64USD/thùng. Giá dầu WTI, loại dầu chính của Mỹ, đã vượt mốc 60USD/thùng.
Tuy nhiên, giá dầu để mất thành quả tăng giá trong ngày thứ Tư sau thông tin Saudi Arabia có kế hoạch tăng nguồn cung dầu. Giá dầu Brent giảm 0,1% còn giá dầu WTI giảm 0,8%.
Giá dầu tăng trở lại sau khi Viện Xăng dầu Mỹ công bố dự trữ dầu thô tại Mỹ trong tuần qua giảm sâu. Giá dầu Brent đóng cửa ở mức 64,85USD/thùng, tăng 2,4%. Giá dầu WTI đóng cửa tăng 2,7% lên mức 61,66USD/thùng.
Giá dầu không ngừng phục hồi trong những tháng gần đây khi mà một số nền kinh tế phương Tây đã có tiến bộ với chương trình vắc xin Covid-19, điều này không khỏi khiến nhiều người tin vào quá trình hồi phục kinh tế trong khoảng thời gian còn lại của năm. Các chuyên gia phân tích cũng nhắc đến bằng chứng cho thấy nhu cầu dầu tại Trung Quốc và Ấn Độ đang phục hồi, ngoài ra cần phải kể đến việc làm tại Mỹ.
Giá dầu cũng tăng mạnh trở lại trong những phiên gần đây khi mà thời tiết ở Mỹ trở nên giá lạnh gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất dầu trong ngắn hạn. Những nỗ lực cân bằng nguồn cung và tái cân bằng thị trường năng lượng dẫn đầu bởi Saudi Arabia cũng giúp cho giá dầu tăng lên.
Trưởng bộ phận kinh doanh hàng hóa tại ngân hàng Saxo, ông Ole Hansen, nhận xét: "Việc hoạt động sản xuất sản phẩm năng lượng của Saudi Arabia tăng có ý nghĩa nếu xét đến việc yếu tố cung bắt đầu thiếu hụt trên thị trường. Thị trường chắc chắn sẽ hấp thụ tốt điều này".