Kể từ ngày 24/6, Saudi Arabia chính thức bãi bỏ lệnh cấm nữ giới lái xe - lệnh cấm từ lâu được xem như là biểu tượng của sự đàn áp đối với nữ giới tại quốc gia Hồi giáo này.
Việc bãi bỏ lệnh cấm này, được công bố lần đầu vào tháng 9 năm ngoái, nằm trong chiến dịch cải cách quy mô lớn về kinh tế và xã hội Tầm nhìn 2030 (Vision 2030) do Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia khởi xướng.
Động thái này sẽ giúp giải phóng nhiều nữ giới khỏi sự hạn chế khi phải thuê lái xe nam giới khi di chuyển dù chỉ trong khoảng cách ngắn. Việc này cũng sẽ giúp nhiều nữ giới hơn nữa có thể tham gia vào lực lượng lao động, phát triển sự nghiệp kinh doanh riêng và khai phá tiềm năng của vương quốc này.
Nhiều phụ nữ Saudi Arabia chờ sẵn trên đường từ đêm để được lái xe vào ngày đầu tiên lệnh cấm được dỡ bỏ ngày 24/6 - Ảnh: Getty Images.
"Đây là quyền của chúng tôi và cuối cùng chúng tôi đã có nó. Nhìn chung, việc xã hội chấp nhận điều này chỉ là vấn đề thời gian", Samira al-Ghamdi, nhà tâm lý học 47 tuổi tại Jeddah, chia sẻ khi lái xe ra đường ngày 24/6. Bà nằm trong số nhóm nhỏ phụ nữ Saudi Arabia đã có được bằng lái xe trước khi lệnh cấm chính thức được bãi bỏ.
Đầu tháng 6, Saudi Arabia đã trao bằng lái xe cho 10 phụ nữ - những người đã chuyển đổi bằng lái họ được cấp ở nước ngoài.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm này của Arabia Saudi nhận được sự hoan nghênh của các đồng minh phương Tây. Đây được xem như một minh chứng cho sự tiến bộ của quốc gia Hồi giáo này. Đây cũng là kết quả của nhiều năm vận động, phản đối của các nhà hoạt động trong và ngoài quốc gia này về quyền lái xe của nữ giới.
Mới đây, Saudi Arabia cũng cho phép nữ giới tới xem một số sự kiện thể thao và được quyền chăm sóc con sau khi ly dị.
Tuy vậy, nữ giới tại Saudi Arabia vẫn bị hạn chế đối với nhiều quyền cá nhân. Nữ giới ở nước này phải có người đàn ông bảo hộ cho phép mới được đi du lịch, đi học, đi làm hay thậm chí đi khám bệnh.