Saudi Arabia đang nhắm tới thu hút 1.600 tỷ Riyal (427 tỷ USD) từ khu vực kinh tế tư nhân thông qua chương trình Phát triển công nghiệp quốc gia và Logistics (NIDLP) trong 10 năm tới nhằm đa dạng hoá nền kinh tế, Bộ trưởng Năng lượng Khalid al-Falih của nước này cho biết vào thứ 7 tuần trước (26/1).
Theo hãng tin Reuters, chương trình này nằm trong kế hoạch cải cách Vision 2030 dưới sự chỉ đạo của Thái tử Mohammed bin Salman, nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Saudi Arabia vào dầu mỏ, khí gas, và tạo việc làm cho người dân. Một trong những mục tiêu của Vision 2030 là nâng tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP từ 40% lên 65%.
Falih cho biết vào ngày hôm nay (28/1), nước này sẽ công bố các dự án trị giá 18,6 tỷ USD, đã "sẵn sàng để đàm phán" theo chương trình NIDLP để thúc đẩy phát triển công nghiệp, khai khoáng, năng lượng và logistics.
Ở giai đoạn sau, quốc gia Trung Đông này sẽ công bố các dự án quân sự, hoá chất và doanh nghiệp nhỏ, trị giá 50 tỷ USD, Bộ trưởng Năng lượng của Saudi Arabia nói tại một cuộc họp báo nhưng không cho biết lộ trình cụ thể.
NIDLP nhắm tới thu hút vốn từ cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài. Chương trình này sẽ kết hợp các lĩnh vực gồm khai khoáng, công nghiệp và năng lượng, trong đó mỗi lĩnh vực đều đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch trao quyền cho khu vực tư nhân để trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, Falih cho biết.
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Giao thông Nabeel al-Amudi của Saudi Arabia cũng cho biết NIDLP sẽ triển khai 60 sáng kiến trong lĩnh vực logistics, gồm 5 sân bay mới và 2.000 km đường sắt, và nhắm tới thu hút hơn 35,8 tỷ USD vốn đầu tư.
"Chúng tôi đặt mục tiêu đưa ngành logistics đóng góp 58,7 tỷ USD vào GDP", ông Nabeel nói.
Với kế hoạch Vision 2030, Saudi Arabia muốn đưa khu vực tư nhân vào vận hành phần lớn cơ sở hạ tầng giao thông của đất nước, gồm các sân bay và cảng biển, còn chính phủ giữ vai trò quản lý.
Việc công bố NIDLP là động thái mới nhất liên quan tới Vision 2030 của Saudi Arabia sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại lãnh sự quán nước này ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10 năm ngoái. Sau vụ việc này, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn của nước ngoài đã rút khỏi hội thảo đầu tư lớn nhất của Saudi Arabia. Kể từ đó, nhiều doanh nghiệp cũng do dự trong việc mở rộng đầu tư vào quốc gia Trung Đông này.