Bà Võ Thị Khánh Trang, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills TPHCM cho biết thị trường đang chuyển sang hướng khách thuê dẫn dắt thị trường còn chủ nhà đang giảm dần sự lạc quan, đã bắt đầu tiếp nhận việc thương lượng để có thể cho thuê mặt bằng. Giá thuê tiếp tục lao dốc, giảm từ 20% đến 40% giá chào thuê hiện tại. Thời hạn hợp đồng vẫn duy trì ở mức 3 đến 5 năm, tuy nhiên, khách thuê đề xuất không tăng giá thuê trong suốt thời hạn thuê mặt bằng. Nếu đợt giãn cách quá dài và mức giảm tiền thuê không được thống nhất, chủ nhà phố cũng đã nghĩ đến giải pháp tìm kiếm khách thuê mới và ưu tiên cho khách thuê văn phòng, trụ sở công ty.Theo Savills, với đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, một vài mặt bằng cho thuê tại TP HCM dù đã dựng vách thi công vẫn chấp nhận chịu lỗ, trả lại không thuê. Tỷ lệ lấp đầy mặt bằng nhà phố cho thuê tăng trưởng chậm lại. Nhà phố căn góc ở những tuyến đường có lượng giao thông cao được thuê tốt hơn, còn lại đều bị ảnh hưởng. Một số chủ nhà đã phải hỗ trợ giảm 20 - 40% giá thuê nhằm giữ được hợp đồng thuê.
Trong ngắn hạn, thị trường nhà phố cho thuê có thể tiếp tục đối mặt với việc trả hoặc giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí từ các khách thuê hiện tại và khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê mới. Chủ nhà sẽ không còn ở thế thượng phong, thay vào đó, khách thuê sẽ chiếm lợi thế.
Trong dài hạn, thị trường mặt bằng bán lẻ nói chung và thị trường nhà phố cho thuê nói riêng được kỳ vọng sẽ có nhiều tín hiệu tích cực. Các chỉ số vĩ mô vẫn được dự báo tăng trưởng mặc dù có chậm lại; doanh thu bán lẻ hàng hóa tại TP HCM đã có sự hồi phục sau mỗi đợt dịch và đạt các mức tăng trưởng 12% trong năm 2020. Các thương hiệu quốc tế hạng sang vẫn tìm kiếm các mặt bằng thương mại tại khu vực trung tâm thành phố cho kế hoạch mở rộng, thâm nhập thị trường Việt Nam.