Theo báo cáo tài chính kiểm toán niên độ 2021-2022, CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (mã SBT) ghi nhận doanh thu đạt 18.319 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ và vượt 8% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt kỷ lục 1.046 tỷ đồng, tăng 33% so với niên độ trước và hoàn thành vượt đến 39% mục tiêu đề ra. Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp đầu ngành mía đường đạt lợi nhuận trên nghìn tỷ trong một niên độ kể từ khi hoạt động.
Bên cạnh kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan, quy mô của SBT cũng được mở rộng với tổng tài sản tại thời điểm 30/6/2022 đạt 27.730 tỷ đồng (~ 1,2 tỷ USD), tăng hơn 35% so với đầu niên độ.
Cơ hội tăng tốc của SBT với triển vọng ngành đường
Sản lượng đường tiêu thụ toàn cầu trong niên vụ 2022/23 ước tính đạt 179 triệu tấn (tăng 1,9% so với cùng kỳ), do nhu cầu tăng từ Trung Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng sản xuất ethanol được đánh giá sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung đường trong thời gian tới. Theo Mordor Intelligence, quy mô thị trường ethanol được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) trên 5% trong giai đoạn dự báo (2022-2027) do nhu cầu sử dụng ethanol làm nhiên liệu sinh học, trong sản xuất bia và chế biến thực phẩm ngày càng tăng cao.
Kết thúc vụ, toàn ngành mía đường Việt Nam đã ép được 7,5 triệu tấn mía, sản xuất được gần 741.700 tấn đường, tăng hơn 11,6% về sản lượng mía ép và 7,5% về sản lượng đường so với vụ ép mía 2020-2021. Trong khi đó, ước tính thị trường nội địa đã tiêu thụ từ 2,1 - 2,3 triệu tấn đường mỗi năm, tức sản lượng đường hiện tại chỉ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng đường của hàng loạt doanh nghiệp các ngành công nghiệp ngày càng tăng. Ước tính chỉ riêng nhu cầu tiêu thụ đường nội địa đạt 180 nghìn tấn/tháng đã tạo ra áp lực to lớn lên nguồn cung trong nước vốn sẽ không có bổ sung cho đến vụ ép mới vào cuối năm 2022. Sức ép càng tăng khi ngành sản xuất thực phẩm chuẩn bị mùa cao điểm nhất trong năm nhằm phục vụ các lễ hội lớn, nhu cầu có thể tăng từ 20-30%. Những tín hiệu lạc quan đối với ngành đường đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Cụ thể, đường xuất xứ Thái Lan sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%. Như vậy, tổng mức thuế là 47,64%, động thái này được đánh giá sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam.
Lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại nhiều quốc gia được dự báo sẽ đẩy giá hàng hóa trên thế giới tăng cao và giá đường cũng không ngoại lệ. Giá đường thế giới đã đạt mức cao nhất 5 năm và hiện đang quanh vùng đỉnh 2 năm nhưng Mirae Asset vẫn kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng 12% so với cùng kỳ trong niên độ 2022-2023. Thêm nữa, việc áp thuế chống bán phá giá với đường Thái Lan sẽ hỗ trợ giá đường tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, Công ty chứng khoán SSI dự đoán giá đường trong nước sẽ tăng lên mức 19.000-20.000 đồng/kg vào cuối năm 2022, tăng 10% so với giá đường hiện tại.
Giá đường neo vùng đỉnh 2 năm
Với triển vọng lạc quan của ngành đường, Mirae Asset ước tính doanh thu thuần của SBT niên độ 2022-2023 đạt 20.341 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp được dự báo sẽ cải thiện đáng kể từ mức 12,5% lên 13,3%. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự phóng đạt 1.235 tỷ đồng, tăng trưởng 51% so với niên độ vừa qua. Công ty chứng khoán SSI cũng ước tính doanh thu thuần của SBT niên độ 2022-2023 đạt 20.416 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ.
Mục tiêu 1,5 tỷ USD doanh thu niên độ 2024-2025
SBT hiện đang giữ vị thế đầu ngành với hơn 46% thị phần đường nội địa và hơn 29 thị trường xuất khẩu. Theo thống kê từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), số lượng nhà máy hoạt động hiện tại của toàn ngành ở mức 26 trên tổng số 41 nhà máy. Trong đó, SBT sở hữu 10 nhà máy đang hoạt động với tổng công suất đạt 4.690 tấn đường/ngày.
Mục tiêu của SBT đến niên độ 2024-2025 sẽ đạt sản lượng 2 triệu tấn, doanh thu 1,5 tỷ USD và có thể tiếp cận hàng 100 triệu người dùng ở các thị trường trọng yếu như Việt Nam, Trung Quốc, Úc, châu Âu... Để đạt được mục tiêu tham vọng này, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu của SBT sẽ phải đạt tối thiểu 24% trong 3 năm tới so với con số 16% của năm năm vừa qua.
Sự hồi phục của ngành FMCG đặc biệt là sữa và nước ngọt được dự báo sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ đường tăng lên trong những năm tới. Theo Kantar World Panel, tiêu thụ hàng FMCG tại Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á trong quý 4/2021 - giai đoạn hậu giãn cách. Tổng mức tăng trưởng của tiêu dùng FMCG ở khu vực thành thị và nông thôn Việt Nam lần lượt là 3,9% và 5,2%, trong khi con số của Thái Lan là 3,5%.
Ngành FMCG phục hồi đẩy nhu cầu tiêu thụ đường tăng cao đặc biệt trong giai đoạn Tết nguyên đán đang tới gần
Đứng trước những dự báo thiếu hụt nguồn cung cũng như xu hướng chủ nghĩa bảo hộ lương thực trỗi dậy trên toàn cầu, SBT đã linh hoạt triển khai kế hoạch tăng cường sản xuất, chủ động dự trữ sản phẩm và luôn trong tâm thế sẵn sàng cung ứng cho thị trường. Niên độ 2021-2022, SBT ghi nhận hàng tồn kho tăng 46% so với cùng kỳ, đây được xem là bước chuẩn bị của nhà sản xuất chiếm lĩnh thị phần có khả năng tự chủ vùng nguyên liệu đủ đáp ứng chất lượng đầu vào và nhu cầu của sản xuất ngày càng cao của thị trường.
Với chiến lược liên tục mở rộng và phát triển bền vững cùng cây mía, SBT hiện đã nâng tổng vùng nguyên liệu lên hơn 68.000 ha nằm ở 4 quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia và Úc. Trong đó, tổng diện tích vùng nguyên liệu nông trường đạt hơn 36.000 ha. Trong thời gian tới, bên cạnh việc duy trì vùng nguyên liệu nội địa, SBT còn có kế hoạch đẩy mạnh việc mở rộng quy mô, tham gia vào các thủ phủ mía đường trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như tăng cường trao đổi kỹ thuật - công nghệ canh tác 4.0 với các đối tác trên khắp thế giới.
Vùng nguyên liệu mía của SBT tại Tully, bang Queensland, Úc
Trong năm 2022, SBT dự kiến đầu tư 100 triệu USD để mở rộng vùng nguyên liệu tại Queensland - Úc lên đến 20.000 hecta, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu đạt gần 90.000 ha vào năm 2025, mục tiêu đảm bảo nguồn nguyên liệu toàn cầu theo chiến lược 2021-2025 của công ty.