Những ngày cuối năm Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã liên tục bán vốn tại nhiều doanh nghiệp nhưng 3 thương vụ bán vốn được giới đầu tư mong chờ nhất vẫn "mất hút".
Cuối tháng 10, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi SCIC đề nghị triển khai thoái vốn năm 2021 theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó tập trung triển khai thoái vốn tại ba doanh nghiệp là Tập đoàn Bảo Việt (mã: BVH), Tổng CTCP Bảo Minh (mã: BMI) và Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã: NTP) đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
Tiền thu từ thoái vốn tại ba doanh nghiệp trên nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 20/12/2021 để nộp ngân sách Nhà nước.
Theo kế hoạch được công bố, SCIC sẽ thực hiện bán vốn 31 doanh nghiệp giao dịch trên sàn chứng khoán trong năm 2021, trong đó SCIC đang sở hữu lần lượt 50.7% vốn tại BMI, 3.26% tại BVH và 36% tại NTP.
Tổng số vốn Nhà nước tại ba công ty nói trên hơn 1.100 tỷ đồng. Số tiền thu từ thoái vốn từ các công ty này được yêu cầu nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 20/12 trong năm nay.
Trước thông tin này các cổ phiếu đều tăng trần ngay lúc đó. Tuy nhiên, đã quá hạn 20/12 nhưng SCIC vẫn chưa thông báo thoái vốn tại 3 doanh nghiệp này dù thị trường chứng khoán năm nay rất thuận lợi để bán vốn tại các doanh nghiệp niêm yết.
Thị trường chứng khoán năm 2021 vô cùng sôi động với làn sóng gia nhập thị trường của các nhà đầu tư mới, thanh khoản thường xuyên trên 30.000 tỷ đồng. Dù dòng tiền lớn nhưng bên mua chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, còn nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức trong nước, tự doanh lại bán ròng kỷ lục hơn 85.000 tỷ đồng. Cho nên, việc bán vốn của SCIC có thể gặp khó khi muốn tìm nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược để thoái vốn (BMI, NTP). Với trường hợp BVH, lượng thoái vốn chỉ 3,26% quá nhỏ nên rất khó để hấp dẫn các nhà đầu tư lớn xuống tiền.
Tính đến 28/12, BMI có giá thị trường 43.600 đồng/cổ phiếu vốn hoá vượt 4.700 tỷ đồng, BVH đạt 55.700 đồng/cổ phiếu vốn hoá vượt 41.600 tỷ đồng, NTP đạt 57.800 đồng/cổ phiếu vốn hoá gần 6.800 tỷ đồng.
Đầu năm 2021, SCIC công bố danh sách 88 doanh nghiệp mà SCIC dự kiến triển khai bán vốn trong năm 2021. Trong đó, có 31 doanh nghiệp có mã cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong danh sách SCIC công bố, những cái tên đáng chú ý có vốn điều lệ trên 1,000 tỷ đồng là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) với vốn điều lệ hơn 6.400 tỷ đồng (SCIC sở hữu 36%); FPT với vốn điều lệ hơn 7.760 tỷ đồng (SCIC sở hữu gần 6%); Tổng công ty Sông Đà (mã: SJG) với vốn điều lệ gần 4.500 tỷ đồng (SCIC sở hữu 99.79%); Tập đoàn Dệt may Việt Nam (mã: VGT) với vốn điều lệ 5,000 tỷ đồng (SCIC sở hữu 53.49%), Tổng công ty Licogi (mã: LIC), Tổng công ty Thăng Long, Tổng công ty Xây dựng công trình Giao thông 8…
Những ngày cuối năm SCIC đã liên tục thông báo thoái vốn tại các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Kỹ nghệ Á Châu, Công ty cổ phần Quản lý bảo trì đường thuỷ nội địa số 4, Công ty cổ phần Hạ tầng KCN Thanh Hoá, Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Thuỷ lợi Việt Nam,… Tuy nhiên, đến nay SCIC vẫn chưa thể thực hiện được các thương vụ thoái vốn lớn trên. Lại một năm nữa việc thoái vốn bị "lỡ hẹn".
Danh sách thoái vốn của SCIC năm 2021
Theo Bộ Tài chính, trong 11 tháng năm 2021, đã thực hiện thoái vốn với giá trị 1.652 tỷ đồng, thu về 4.356 tỷ đồng.
Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trrong 11 tháng năm 2021 đã cổ phần hóa 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Về thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, trong 11 tháng năm 2021, đã thực hiện thoái vốn với giá trị 1.652 tỷ đồng, thu về 4.356 tỷ đồng, trong đó thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với giá trị 52,8 tỷ đồng, thu về 85,1 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty thoái vốn tại 12 doanh nghiệp với giá trị 1.599,4 tỷ đồng, thu về 4.271,7 tỷ đồng. Trong đó, thương vụ thoái vốn đáng chú ý là Tập đoàn công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) thoái vốn tại Công ty cổ phần Vĩnh Sơn với giá trị 922,48 tỷ đồng, thu về 922,5 tỷ đồng.
Trước đó, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh cho hay, nguyên nhân là do nhiều đơn vị vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính phải xử lý.