Sáng nay, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) gặp mặt báo chí chia sẻ về hoạt động năm 2020 và kế hoạch năm 2021.
Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước chịu ảnh hưởng rất nặng nề của Covid-19, hoạt động đầu tư kinh doanh vốn gặp nhiều khó khăn song kết quả kinh doanh và lợi nhuận của SCIC đều vượt 2 con số.
Cụ thể, đến 31/12/2010, doanh thu của SCIC ước đạt 7.945 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế ước đạt 6.588 tỷ đồng,vượt 36% kế hoạch và tăng gần 50% so với 2019 (năm 2019 SCIC lãi 4.067 tỷ đồng). Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 9.337 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với kế hoạch.
Đến hết tháng 12/2020, danh mục các doanh nghiệp do SCIC quản lý có 145 doanh nghiệp với giá trị vốn nhà nước 39.199 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 124.168 tỷ đồng.
Năm 2020, SCIC đã thoái vốn thành công ở 10 doanh nghiệp, thu được 1.521 tỷ đồng, gấp 2 lần so với giá vốn, chênh lệch bán vốn là 920 tỷ đồng, doanh thu bán vốn ghi nhận đạt 82% so với kế hoạch. Chính phủ đã ban hành Nghị định 140/2020 ngày 30/11/2020 sửa đổi một số nội dung của Nghị định 32/2018 trong đó một số kiến nghị của SCIC được tiếp thu như áp dụng cơ chế đặc thù về bán vốn, bán vốn tại các doanh nghiệp đường bộ, đường sông, không hạn chế lĩnh vực đầu tư…
Trong năm 2020, SCIC chỉ giải ngân 49,2 tỷ đồng. Với cơ hội đầu tư vào Vietnam Airlines, SCIC được chỉ định tham gia đợt tăng vốn của Vietnam Airlines.
"Chúng tôi thực hiện hành công mục tiêu kép, đến thời điểm này người lao động tại các DN có vốn SCIC đều an toàn và các công ty đạt kết quả kinh doanh có tăng trưởng", ông Thành chia sẻ.
Đánh giá về kết quả kinh doanh của năm 2020, ông Thành cho rằng các con số tăng trưởng gần 50% năm 2019 và vượt 36% kế hoạch của SCIC là rất ấn tượng trong bối cảnh Covid-19. "SCIC vẫn giữ được tài sản, không phải bán đi nhiều là thành tích mà quản trị bán đi đạt kế hoạch kinh doanh nhưng vẫn giữ lại được danh mục. Nếu đánh giá lại danh mục từ tháng 6 đến giờ nếu bán đi chênh lệch được bao nhiêu tiền, SCIC đã điều hành linh hoạt đảm bảo mục tiêu và giữ danh mục của SCIC, trong bối cảnh đầu tư hạn chế thì các khoản đầu tư hiện hữu là rất quan trọng", ông Thành nhận định.
Câu chuyện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp liên quan đến việc quản trị, mong muốn tại các địa phương vẫn muốn quản trị doanh nghiệp, hiện nhận thức về mặt tách bạch tại các Bộ và địa phương đã rõ, một số Bộ không còn vụ Doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp phải chuyên nghiệp hơn nên nhiều Bộ như Bộ Giao thông, Bộ Văn Hoá, Bộ Lao động - Thương binh xã hội muốn chuyển giao DN về SCIC. Quyết định 908 của Thủ tướng, SCIC mới tiếp nhận Sabeco và một số DN của Bộ Xây dựng.
Theo ông Thành, có quan điểm đề xuất các DN hết vốn nhà nước (lỗ mất hết vốn) cũng bàn giao về SCIC, để SCIC cùng vực dậy tái cơ cấu.
Tháng 12, Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn trình Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến 2035 xác định hướng tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư vốn, kiến nghị chuyển đổi mô hình SCIC thành quỹ đầu tư của Chính phủ.